- “Từ câu “Hà Nội không vội được đâu” dư luận hay nói mà chúng tôi coi là “nỗi đau”, lãnh đạo Thành phố quyết tâm phải làm bằng được phân cấp, ủy quyền”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chia sẻ.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị |
Chiều 9/3, Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về phân cấp, ủy quyền trên một số lĩnh vực kinh tế - xã hội với các học viên của lớp “Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các đồng chí Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII”, do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cho biết, Hà Nội đã triển khai xây dựng Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền một cách bài bản, khoa học, có tính đến yêu cầu quản lý của một đô thị lớn. Trong đó, rà soát tổng thể những nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền của cấp Thành phố, cấp huyện, cấp xã tại các Luật, Nghị định, Thông tư; rà soát toàn bộ thủ tục hành chính Thành phố đang triển khai.
Từ đó, xác định những nhiệm vụ nào đã được Thành phố phân cấp, ủy quyền; những nhiệm vụ nào chưa được phân cấp, ủy quyền và có nghiên cứu, đề xuất tiếp tục phân cấp, ủy quyền đối với những nhiệm vụ chưa được phân cấp, ủy quyền…
Trên cơ sở đó, Thành phố tiếp tục điều chỉnh bổ sung quy định phân cấp cho cấp huyện đối với 09 lĩnh vực, là những lĩnh vực liên quan đến các vấn đề dân sinh, với ít nhất 210 nhiệm vụ chính được phân cấp. Cùng với đó, Thành phố đã thực hiện phân cấp, ủy quyền đối với 708/1.910 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ khoảng 37% tổng số thủ tục hành chính.
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chia sẻ, quyết tâm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền của Thành phố xuất phát từ thực tế công tác cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu, quy trình giải quyết thủ tục hành chính còn cản trở phát huy các nguồn lực đầu tư phát triển. Nhà đầu tư muốn bỏ tiền ra để xây dựng trường THPT, trong khi nhu cầu Thành phố thì rất cần, nhưng làm thủ tục 3 năm không giải quyết được.
“Từ những vấn đề như thế và câu “Hà Nội không vội được đâu” dư luận hay nói mà chúng tôi coi là “nỗi đau”, lãnh đạo Thành phố quyết tâm phải làm bằng được phân cấp, ủy quyền”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chia sẻ.
Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, để có được kết quả phân cấp, ủy quyền như hiện nay, Thành phố đã phải mất hơn 1 năm triển khai các bước bài bản, chi tiết, bảo đảm tính khoa học, đủ căn cứ pháp lý và đặc biệt phải thực hiện với quyết tâm chính trị rất cao trước hết là trong Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, rồi Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố.
“Kinh nghiệm của chúng tôi là phải ngay từ đầu thành lập Ban Chỉ đạo sau khi trao đổi thống nhất thì giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan; đặc biệt là phải giao khoán chỉ tiêu. Như vừa rồi, Thành phố đã giao ít nhất phải phân cấp, ủy quyền được 40%. Khi làm thì phải có đầu, có cuối, nghĩa là phân công nhiệm vụ rồi thì phải hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.
Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, mặc dù kết quả vừa qua rất tích cực, nhưng đây mới chỉ là bước đầu. Thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, làm sao để tạo điều kiện tốt nhất phát huy các nguồn lực phát triển và cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.