- Nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong Ủy ban Kinh tế cho rằng cần lưu ý thu hẹp trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, mở rộng các trường hợp đấu thầu dự án có quyền sử dụng đất để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Ngày 15/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có phiên thảo luận về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Những quy định liên quan đến vấn đề đất đai được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, về vấn đề đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách thống nhất với quy định tại dự thảo luật vì theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 2 dự thảo Luật, dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) là các dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đất đai.
Còn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, về trình tự, thủ tục phê duyệt và đề xuất dự án đầu tư kinh doanh, Chính phủ trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở danh mục dự án đầu tư, tuy nhiên, cơ quan soạn thảo thống nhất bỏ do không có căn cứ pháp lý và đề nghị bổ sung quy định về trình tự, thủ tục phê duyệt đề xuất dự án chưa có quy định trong Luật Đầu tư và đưa dự án sử dụng đất đã được phê duyệt đề xuất dự án đối với dự án không phê duyệt chủ trương đầu tư vào đối tượng đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị bỏ các nội dung này, đề nghị chỉ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với trường hợp dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) |
Phân biệt rõ ràng đấu thầu với đấu giá
Về nội dung liên quan đến Luật Đất đai, Dự án luật Đấu thầu (sửa đổi) này đã quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục trong việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có quyền sử dụng đất. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần lưu ý thu hẹp trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, mở rộng các trường hợp đấu thầu dự án có quyền sử dụng đất để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà dự án có sử dụng đất quy định tại Điều 47, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ tán thành với Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho biết đây là nội dung liên quan đến Luật Đất đai vẫn đang còn rất phức tạp.
Chủ tịch Quốc hội làm rõ, khái niệm đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đối với trường hợp chưa có đất sạch thực chất có cả mua cả bán. Trong đó, nhà nước “mua” chuyện giải phóng mặt bằng, chi phí để giải phóng mặt bằng; “bán” quyền sử dụng đất. Nêu rõ, nếu mà cả mua cả bán gộp vào trong một hành động, e rằng là rất khó khăn trong giải quyết vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên phải nghiên cứu kỹ vấn đề này.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, luật này chỉ quy định trình tự, thủ tục, còn việc có đấu thầu hay không thì để Luật Đất đai quy định, trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai sẽ xem xét tiếp nội dung này.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ nhất trí với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, theo đó cần tháo gỡ, phân định rõ ràng đấu thầu với đấu giá. Luật Đấu thầu cần quy định trình tự, quy trình rõ ràng trong việc tiến hành đấu thầu, không chồng chéo với các văn bản pháp luật có liên quan. Với các vấn đề còn lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Luật đảm bảo chất lượng cao.
Điều 47. Công bố dự án đầu tư có sử dụng đất 1. Đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, nội dung công bố gồm: a) Nội dung quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư theo pháp luật về đầu tư; b) Tên bên mời thầu; hình thức và phương thức lựa chọn nhà đầu tư; thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; b1) Yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư. 2. Đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan có thẩm quyền tổ chức lập, phê duyệt thông tin dự án đầu tư có sử dụng đất trước khi công bố dự án. Nội dung quyết định phê duyệt thông tin dự án đầu tư có sử dụng đất gồm: a) Tên dự án; mục tiêu; quy mô đầu tư; vốn đầu tư (sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án); b) Địa điểm thực hiện; hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án, diện tích khu đất thực hiện dự án; mục đích sử dụng đất; các chỉ tiêu quy hoạch được duyệt; c) Thời hạn, tiến độ thực hiện; sơ bộ phương án phân kỳ đầu tư hoặc phân chia dự án thành phần (nếu có); tiến độ thực hiện từng giai đoạn (nếu có); d) Tên bên mời thầu; hình thức và phương thức lựa chọn nhà đầu tư; thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; đ) Yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư; e) Nội dung cần thiết khác. 3. Nhà đầu tư được đề xuất thực hiện dự án ngoài các dự án đã được cơ quan có thẩm quyền công bố theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Điều 48. Công bố dự án đầu tư thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực 1. Đối với dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, việc công bố dự án thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 47 của Luật này. 2. Đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, việc công bố dự án thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật này. |