Mùa tuyển sinh năm 2023 sẽ chính thức áp dụng quy định mới về điểm ưu tiên.
Cụ thể, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần (công thức tính mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường).
Quy định này sẽ tác động đến đông đảo thí sinh khi những em thuộc diện hưởng các ưu tiên khác nhau chiếm tới 75% tổng số thí sinh tốt nghiệp hàng năm.
Năm nay, các cơ sở đào tạo có tới 18 phương thức xét tuyển trong đó xét kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm gần một nửa, các hình thức còn lại như xét học bạ, xét tuyển thẳng... Năm 2022 có những trường tổ chức xét tuyển sớm đã ép thí sinh phải nhập học, nộp tiền đặt cọc. Bộ khẳng định nghiêm cấm việc này.
Bảng xếp hạng các lĩnh vực đào tạo cũng được công bố. Đứng đầu bảng về độ hấp dẫn thí sinh là các ngành: Kinh doanh và quản lý; Máy tính và công nghệ thông tin; Công nghệ kỹ thuật. Trong 3 năm liền, 4 lĩnh vực tuyển sinh kém nhất là: Nông lâm nghiệp và thủy sản; Khoa học sự sống; Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng một đề án theo chỉ đạo của Chính phủ để thu hút thí sinh vào những ngành khoa học cơ bản. Các trường cũng kiến nghị cần có chính sách cho vay không lãi suất để sinh viên chọn lựa những ngành này.
Năm nay, toàn bộ quy trình đăng ký dự tuyển, nộp lệ phí, xác nhận nhập học đều thực hiện trực tuyến trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Sẽ rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt, đảm bảo cuối tháng 8, thí sinh trúng tuyển có thể nhập học.
Theo VTV
https://vtv.vn/giao-duc/ap-dung-quy-dinh-moi-ve-diem-uu-tien-tuyen-sinh-20230303171940367.htm