- Chiều ngày 14/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự, trong đó quy định về Quỹ phòng thủ dân sự vẫn đang có ý kiến trái chiều…
Báo cáo về một số nội dung của dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 4 các vị ĐBQH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Sau kỳ họp, theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.
Dự thảo Luật đã được chỉnh lý cơ bản ở phần lớn các chương, điều. Sau chỉnh lý Dự thảo có 07 Chương, 55 điều, bổ sung 03 điều mới, giảm 16 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp tục phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu các ý kiến của ĐBQH tại Kỳ họp thứ 4 và ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật Phòng thủ dân sự gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội.
Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, về nguyên tắc áp dụng pháp luật, hiện có tới 95 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực của Luật phòng thủ dân sự, gồm 53 Luật, 28 Nghị định.
Như vậy, hiện nay các quy định về phòng thủ dân sự đang được quy định rải rác ở rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Do vậy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho rằng, khi thiết kế dự án luật này cần quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc và sẽ áp dụng những quy định chung nhất. Nội dung về nguyên tắc áp dụng pháp luật là vấn đề cần được cân nhắc để tránh gây khó khăn và lúng túng trong quá trình áp dụng luật. Bởi khi các thảm họa, sự cố, thiên tai xảy ra, sẽ rất khó cho các cơ quan áp dụng theo văn bản quy phạm pháp luật nếu chúng ta không có hình thức cụ thể.
Về vấn đề bảo hiểm rủi ro, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, đây là vấn đề đã được cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng thành chính sách và trình Quốc hội từ giai đoạn lập. Bà Oanh đề nghị tiếp tục thảo luận kỹ trong quá trình hoàn thiện dự thảo luật.
Về các dạng thảm họa, sự cố, dự thảo Luật sau khi chỉnh lý thì đã bỏ quy định về các dạng thảm họa, sự cố. Tuy nhiên, dự thảo Luật có một Chương quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước của nhiều bộ, ngành đối với từng loại thảm họa, sự cố khác nhau. Ví dụ như Bộ Công an thì sẽ chịu trách nhiệm về các dạng thảm họa, sự cố về phòng cháy, chữa cháy, về an ninh mạng; Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm về các dạng thảm họa, sự cố về giao thông; Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm về các dạng thảm họa, sự cố về môi trường…
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho rằng, nếu bỏ các quy định về các dạng thảm họa, sự cố ở trong dự thảo luật lần này sẽ không đảm bảo được tính kết nối với việc giao trách nhiệm cho các cơ quan có liên quan đối với từng loại thảm họa, sự cố riêng biệt.
Về nội dung quy định liên quan đến Quỹ phòng thủ dân sự, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, việc quản lý và sử dụng quỹ này trong thực tế có xuất hiện những vướng mắc, bất cập, chồng chéo. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế cho thấy cần thiết phải có Quỹ này nhưng cần đưa ra quy định phù hợp, đảm bảo Quỹ này huy động được, quản lý và sử dụng một cách hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng thống nhất cần lập Quỹ phòng thủ dân sự và cho rằng, nguồn vốn căn bản cho Quỹ cần ưu tiên trong 10% ngân sách dự phòng của các địa phương. Và nếu được thì nên Luật hóa quy định trong dự thảo.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng bày tỏ ủng hộ phương án 2 là không tổ chức quỹ này và khi cần thiết thì Chính phủ thành lập giống như Quỹ Covid-19 vừa qua. Đây cũng là ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.
Liên quan đến cấp độ phòng thủ dân sự quy định tại Điều 5 dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị cần lưu ý các nguyên nhân của các sự cố, thảm họa để có cách tiếp cận xử lý hậu quả phù hợp. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, nếu phân định các dạng thảm họa sự cố bằng nguyên nhân dẫn đến thảm họa sự cố do chiến tranh, do thiên tai, do dịch bệnh thì thực tế không có nhiều ý nghĩa.
Về lực lượng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, không thể có một lực lượng chuyên trách mà tùy theo loại sự cố, loại thảm họa để có những lượng chuyên trách khác nhau. Do đó đề nghị làm rõ hơn để có quy định cụ thể hơn trong luật này để từ đó quy định về vấn đề về kinh phí và điều kiện bảo đảm.
Liên quan đến các biện pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, đây là vấn đề khó xử lý nhất khi liên quan đến quy định về các biện pháp cụ thể để phòng chống và khắc phục hậu quả của các loại sự cố thảm họa đã được quy định ở trong các luật chuyên ngành. Do đó, cần nghiên cứu thêm quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật để đảm bảo không chồng chéo, khi có tình huống xảy ra các cơ quan, tổ chức, các bộ, ngành, các địa phương biết là phải làm như thế nào.