- UBND TP.HCM đề nghị nghiên cứu, bố trí đoạn tuyến đường sắt TP.HCM-Cần Thơ trên địa bàn Thành phố đi trên cao để tránh chia cắt các khu vực đô thị…
Đường sắt TP.HCM - Cần Thơ |
UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) về việc góp ý báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, đoạn tuyến qua địa phương này.
Tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ qua địa bàn TP.HCM có tổng cộng hơn 36km (trong đó gần 12km đi trên cao và hơn 24km là các đoạn đi trên mặt đất).
Theo UBND Thành phố, tuyến đường sắt này sẽ phải đi qua các khu vực đô thị, dân cư đông đúc hoặc các khu vực đang tiếp tục trong quá trình đô thị hóa nhnh chóng.
Do vậy, UBND TP.HCM đề nghị Ban Quản lý dự án đường sắt nghiên cứu, bố trí đoạn tuyến đường sắt trên địa bàn Thành phố đi trên cao (trừ một số đoạn tuyến về các ga hàng hóa, ga lập tàu, trạm đầu mối kỹ thuật... ) nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng chia cắt các khu vực đô thị hai bên, đảm bảo việc tổ chức giao thông thuận lợi, an toàn, tăng tính kết nối giữa các đầu mối giao thông đường sắt với khu vực đô thị xung quanh.
Đối với một số đoạn tuyến buộc phải bố trí đi trên mặt đất, TP.HCM đề nghị cần tính toán, dự trù đủ chi phí xây dựng các cầu vượt/nút giao khác mức cho đường bộ (vượt qua đường sắt, đối với các đoạn tuyến đường sắt đi trên mặt đất) trong tổng mức đầu tư của dự án; xác lập quy mô mặt cắt ngang tuyến cho phù hợp trong tương lai, khi dự án đường sắt được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác.
Do dự án đi qua các vị trí giao với các tuyến đường bộ lớn, nút giao thông quan trọng nên TP.HCM đề nghị Ban Quản lý dự án đường sắt trong giai đoạn nghiên cứu khả thi tiếp theo cần tổ chức khảo sát, cập nhật thật kỹ thông tin, tài liệu kỹ thuật của các tuyến/nút giao thông hiện hữu đảm bảo việc tổ chức giao thông khu vực không bị ảnh hưởng lớn trong các giai đoạn xây dựng khác nhau.
Về mặt tài chính, góp ý cho Dự án, UBND TP.HCM cho rằng, Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ lên tới trên 200.000 tỷ đồng (tương đương 9 tỷ USD), do đó việc xây dựng phương án tài chính, huy động vốn phải được tính toán hết sức kỹ lưỡng nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả tài chính.
Theo UBND TP.HCM, việc huy động vốn từ khu vực tư nhân cho dự án là khó khả thi, do vậy, rất cần vai trò dẫn dắt của đầu tư công để phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và đây vẫn là hình thức đầu tư phổ biến nhất cho dự án này, cần tiếp tục được phát huy trên cơ sở cân đối từ ngân sách nhà nước.
ĐBSCL có quy mô sản xuất hàng hóa, nhất là nông sản rất lớn, do đó nhu cầu lưu thông hàng hóa trong vùng, từ vùng đi các tỉnh, thành khác và xuất khẩu rất cấp bách. Tuy nhiên hiện nay vận tải chỉ dựa vào đường bộ độc đạo từ TP.HCM về ĐBSCL. Trong khi đó, nông sản xuất khẩu của nước ta chủ yếu từ ĐBSCL với 90% lúa gạo, 65% thủy hải sản, trái cây... Khối lượng hàng hóa ĐBSCL năm 2020 đạt khoảng 165-170 triệu tấn, tăng bình quân hàng năm 7,5-8%.
Nghị quyết 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định xây dựng “đường sắt TPHCM - Cần Thơ” đi qua TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ là một trong những dự án trọng điểm quốc gia trong quá trình phát triển của TP.HCM.
Nghị quyết 31-NQ/TW nêu rõ: “Ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng năng lượng, viễn thông đồng bộ, hiện đại; hoàn thành các tuyến đường quốc lộ và hệ thống đường kết nối nội vùng, liên vùng theo quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia, nhất là các tuyến vành đai 3, 4, các đường cao tốc, đường sắt TPHCM - Cần Thơ, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất”.
Trong khi đó, Quyết định 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt cả nước, Quyết định 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL, đều xác định mục tiêu đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ chiều dài khoảng 174km, khổ đường 1.435mm (tàu tốc độ cao).