- Thủ tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, không để tiếp diễn tình trạng người bệnh phải "mua ngoài".
Ngày 24/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2023.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát, trong điều kiện rất khó khăn của tình hình trong nước và ngoài nước, ngành y tế đã đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần cùng cả nước kiểm soát được dịch bệnh COVID-19; từ đó, đất nước có điều kiện để tập trung phát triển kinh tế - xã hội, phục hồi nhanh và phát triển theo hướng bền vững, quốc phòng an ninh được bảo đảm và tăng cường, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả, uy tín và vị thế đất nước được nâng lên.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tinh thần "Sâu y lý, giàu y đức, giỏi y thuật" của đội ngũ y bác sĩ và những kết quả mà ngành y tế đã đạt được trong năm 2022, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của ngành.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần phải quyết liệt hành động để khắc phục nhanh, hiệu quả.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, trước hết, Thủ tướng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách để ngành y tế phát triển nhanh, bền vững, trong đó tập trung ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh; xây dựng, sửa đổi các luật đã được đưa vào kế hoạch của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ.
Tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác, không để dịch chồng dịch. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo, xây dựng kịch bản, ứng phó dịch bệnh; nghiên cứu xây dựng trạm y tế tại các khu công nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu triển khai đánh giá kết quả thực hiện việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập để hoàn thiện các quy định về mô hình tự chủ, đẩy mạnh xã hội hóa, đầu tư theo hình thức đối tác công-tư trên cơ sở tìm điểm cân bằng để lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, bệnh viện và người dân, phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Trong đó, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017, Nghị định số 29/2018/NĐ-CP theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính để giải quyết vướng mắc về thẩm quyền phê duyệt quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xác lập sở hữu toàn dân đối với trang thiết bị, vật tư tiêu hao…
Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế khẩn trương tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW về củng cố và hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở, làm căn cứ xây dựng, trình ban hành Chỉ thị của Ban Bí thư về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới.
Triển khai quyết liệt các chương trình, dự án đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là các dự án y tế cơ sở, y tế dự phòng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm phát triển y tế vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số… Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực y tế; tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng như Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Bệnh viện Lão khoa cơ sở 2…; Nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu tiên đầu tư nhằm nâng cao năng lực y tế từ nguồn tăng thu và cho phép cơ sở y tế công lập được tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi, vay thương mại.
Triển khai hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đẩy nhanh việc triển khai Sổ y bạ điện tử kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác tư vấn, khám chữa bệnh từ xa… Phối hợp với Bộ Công an khai thác hiệu quả Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết các thủ tục y tế, khám chữa bệnh cho người dân;
Đẩy mạnh thực hiện chiến lược quốc gia phát triển ngành dược, công nghiệp hóa dược, phát huy thế mạnh của Việt Nam, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Nâng cao năng lực tự chủ về nguyên liệu, các loại thuốc chữa bệnh trong nước có chất lượng, giá cả hợp lý, từng bước thay thế thuốc nhập khẩu. Thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại. Phát triển, xây dựng thương hiệu đối với một số lĩnh vực y học hiện đại và y học cổ truyền mà Việt Nam có thế mạnh. Đẩy mạnh phát triển du lịch chữa bệnh;
Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, không để tiếp diễn tình trạng người bệnh phải "mua ngoài".
“Vừa qua, chúng ta đã giải quyết được một bước vấn đề này và phải tiếp tục làm. Tập trung quản lý, cấp phép, gia hạn thuốc, trang thiết bị y tế kịp thời, công khai, minh bạch. Khắc phục tâm lý "sợ sai", "làm ít sai ít", "không làm, không sai" đang xảy ra ở một số cơ sở y tế.” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt yêu cầu nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao; tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nghiên cứu khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, bảo đảm cân đối giữa các tuyến, lĩnh vực, vùng miền...