- Ngay tuần đầu sau Tết, tại các điểm tiêm chủng, số người đến tiêm vaccine phòng bệnh dại tăng cao. Nhất là ở miền Nam, nhu cầu sử dụng vaccine phòng dại sớm hơn mọi năm.
1 tuần nay, số người đến Trung tâm tiêm chủng VNVC Cần Thơ để tiêm vaccine phòng dại tăng cao gấp đôi so với tháng trước. Nguyên nhân được xác định do nhiều người đi chơi dịp Tết bị chó, mèo cắn/cào hoặc liếm vào vết thương hở. Với nhận thức về bệnh dại đã tăng nên bà con chủ động đi tiêm phòng.
Người dân TPHCM đi tiêm vaccine phòng bệnh dại. Ảnh: VTV |
Thêm nữa, hàng loạt những ca tử vong do không tiêm phòng dại ở khu vực Tây Nam Bộ năm vừa qua, trong đó 12 ca ở Bến Tre, 5 ca ở Kiên Giang càng cho thấy mức độ nguy hiểm nếu chủ quan.
Sau khi bị động vật cắn, cào, dù chỉ trầy xước nhẹ cũng cần đi tiêm ngay để cơ thể kịp sinh kháng thể ngăn chặn virus dại. Điều đặc biệt nguy hại là thời gian ủ bệnh dại từ 3 ngày đến hơn 3 tháng, thậm chí có trường hợp kéo dài nhiều năm. Một khi phát thành bệnh với triệu chứng như sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió, tăng tiết nước bọt thì không thể cứu sống.
Cách phòng tránh duy nhất là tiêm vaccine. Hiện vaccine phòng dại thế hệ mới rất an toàn với liệu trình 3 đến 5 mũi, hoặc phối hợp tiêm huyết thanh kháng dại khi cần.
Các bác sĩ khuyến cáo, ngay cả người thường xuyên tiếp xúc với động vật cũng cần chủ động tiêm dự phòng trước khi bị cắn để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân.
Thông tin từ bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, trong đợt Tết vừa qua, tình hình tiêm chủng vaccine phòng bệnh dại tại đơn vị này tăng rõ rệt. Trong đó, tổng số lượng tiêm phòng dại là 1.365 lượt. Các trường hợp tiêm chủng do chó cắn, đả thương là 496, bệnh mèo cào là 55; cắn và đả thương do động vật có vú khác là 29; chuột cắn là 8; trường hợp còn lại đa số tiêm chủng phòng uốn ván đơn độc.
Bác sĩ Dũng cho biết nguyên nhân khiến số lượt tiêm phòng dại tăng cao có thể là người dân đến chúc Tết, thăm hỏi nhau nên bị chó, mèo và các động vật nuôi tấn công.
Ngoài ra, trong đợt nghỉ Tết, hầu hết cơ sở y tế tiêm phòng vaccine đều nghỉ nên số liệu này có thể được xem như con số chung của cả TP.HCM.
Những vết thương do súc vật cắn có nguy cơ nhiễm trùng, mắc bệnh dại rất cao. |
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải được điều trị dự phòng bằng vaccine dại. Khoảng 60.000-70.000 người chết vì căn bệnh này, chủ yếu được báo cáo ở các nước thuộc vùng nhiệt đới.
Từ năm 1920, vaccine phòng dại cho vật nuôi đã ra đời, giúp căn bệnh này gần như không còn xuất hiện ở các nước phát triển. Song, bệnh dại vẫn là vấn đề nghiêm trọng ở Ấn Độ và một số khu vực châu Phi.
Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành và phát triển ở hầu hết tỉnh/thành phố. Những năm 1990-1995, tỷ lệ tử vong là 0,43/100.000 dân, trung bình mỗi năm có 350-500 ca tử vong. Nhờ các biện pháp tăng cường chống bệnh dại từ năm 1996 tỷ lệ mắc và tử vong vì bệnh dại giảm rõ rệt. Song, từ năm 2004, số ca bệnh tăng lên, tập trung ở một số địa phương nhất định.