Theo thống kê, mỗi tháng, Trung tâm Đột quỵ, BV Trung ương Huế tiếp nhận, điều trị cho khoảng 200-250 bệnh nhân. Số ca nhập viện có xu hướng tăng ở các thời điểm chuyển mùa và những ngày trời lạnh.
Số ca đột quỵ tăng so với năm 2022
Ths.BS Lê Vũ Huỳnh - Phó trưởng Khoa Đột quỵ, BV Trung ương Huế cho biết, hàng năm Trung tâm Đột quỵ tiếp nhận điều trị khoảng 2.500-3.000 bệnh nhân, mỗi tháng tiếp nhận khoảng 200-250 bệnh nhân.
Lượng bệnh nhân nhập viện có xu hướng tăng rõ rệt ở các thời điểm chuyển mùa và những ngày thời tiết lạnh. Nếu như hàng ngày số ca nhập viện trung bình 6-8 ca, thì những thời điểm chuyển mùa hoặc rét đậm, Trung tâm tiếp nhận 12-15 bệnh nhân.
Bệnh nhân đột quỵ được điều trị tại Trung tâm Đột quỵ, BV Trung ương Huế. Ảnh: SKĐS |
Nếu như thường ngày bệnh nhân đột quỵ thể tắc mạch chiếm khoảng 70%, thể xuất huyết chiếm khoảng 25%, còn lại một số bệnh lý mạch máu não khác, thì những lúc chuyển mùa, rét đậm tỷ lệ bệnh nhân thay đổi theo chiều hướng tăng tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ thể xuất huyết, đặc biệt do tăng huyết áp.
"Trong giai đoạn tết Nguyên đán, mặc dù xu hướng chung ở các Khoa tỷ lệ bệnh nhân nhập viện thấp hơn ngày thường nhưng Trung tâm vẫn duy trì nhận lượng bệnh khá đông, thậm chí tăng so với những ngày trước Tết. Lý do có thể là do những ngày Tết thời tiết khá lạnh và thói quen ăn uống, sinh hoạt trong những ngày Tết cũng có thể tăng nguy cơ đột quỵ", Ths.BS Lê Vũ Huỳnh nói.
Theo Ths.BS Lê Vũ Huỳnh, số bệnh nhân nhập viện năm nay tăng khoảng 30% so với năm trước, một phần do năm trước bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Hiện tại Trung tâm đang trong tình trạng quá tải, tỷ lệ bệnh nhân nặng và rất nặng cần hồi sức tích cực chiếm 20-25%. Nhiều ca nặng, thở máy kéo dài, tỷ lệ tử vong cao.
Khuyến cáo quan trọng để phòng chống đột quỵ
Theo Ths.BS Lê Vũ Huỳnh, các bệnh nhân nhập viên ở Trung tâm hầu hết nằm trong nhóm tuổi từ 50 tuổi trở lên (trung bình 60-65 tuổi). Bệnh nhân dưới 50 tuổi chiếm khoảng 10-15% và có xu hướng trẻ hóa ở bệnh nhân đột quỵ những năm gần đây. Tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ duới 45 tuổi tăng lên hàng năm.
Nhóm bệnh trẻ hóa là xuất huyết não, do tăng huyết áp. Một bộ phận người trẻ bắt đầu tăng huyết áp sớm, nguyên nhân do thay đổi xã hội về mặt lối sống, ăn uống, sinh hoạt. Người trẻ nếu tăng huyết áp thường là tăng huyết áp thầm lặng. Người trẻ cũng thường kiểm soát kém khi bị tăng huyết áp và chủ quan trong theo dõi và điều trị.
Để phòng chống đột quỵ, ở cả người già và người trẻ nên thường xuyên tập thể dục, ăn uống điều độ, kiêng các thức ăn nhiều chất béo, đồ ngọt, kiêng rượu, bia và bỏ hút thuốc lá. Những người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh lý tim mạch cần theo dõi, điều trị đạt mục tiêu kiểm soát tốt.
Khi có người bị đột quỵ, cần chuyển ngay bệnh nhân đến bệnh viện có khả năng điều trị và cấp cứu đột quỵ. Ưu tiên chuyển đến các trung tâm lớn nơi triển khai đầy đủ các phương pháp điều trị toàn diện.
Khi gặp bệnh nhân nghi ngờ đột quỵ, liên hệ ngay đơn vị vận chuyển cấp cứu 115 hoặc nếu có phương tiện vận chuyển cá nhân phù hợp thì chuyển cấp cứu ngay. Trong lúc chờ đợi nếu bệnh nhân vẫn thở tốt thì không nên áp dụng biện pháp điều trị nào khác.
"Bệnh nhân bị đột quỵ thể tắc mạch nếu được tái thông kịp thời sẽ hồi phục tốt và giảm di chứng. Liệu pháp tái thông bao gồm 2 phương pháp chính là dùng thuốc tiêu sợi huyết và phương pháp can thiệp nội mạch lấy huyết khối. Những trung tâm đột quỵ hoàn thiện là những đơn vị thực hiện được các phương pháp tái thông này", Ths.BS Lê Vũ Huỳnh chia sẻ.
Theo Sức khỏe Đời sống
https://suckhoedoisong.vn/so-ca-dot-quy-tang-do-troi-lanh-bac-si-khuyen-cao-quan-trong-16923020313284496.htm