- Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố khung Sáng kiến toàn cầu giảm ung thư vú, căn bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới.
Trong đó, WHO đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong do ung thư vú trên toàn cầu 2,5% mỗi năm cho đến năm 2040, qua đó ngăn chặn khoảng 2,5 triệu ca tử vong do căn bệnh này.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị, các quốc gia thực hiện 3 trụ cột để thực hiện mục tiêu trên gồm phát hiện sớm, chẩn đoán kịp thời cũng như điều trị và chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân ung thư vú.
Mỗi năm có hơn 2,3 triệu trường hợp mắc ung thư vú trên toàn cầu. Tuy nhiên, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân ung thư vú đã vượt quá 80% ở các quốc gia có thu nhập cao, trong khi tỷ lệ này ở các nước kém phát triển chỉ là 40% đến 60%.
WHO ước tính, mỗi năm trên thế giới có thêm 20 triệu người mắc ung thư và 10 triệu người không vượt qua căn bệnh này, chiếm khoảng 16% số ca tử vong trên toàn cầu. Giới chuyên gia cảnh báo, số ca ung thư mới sẽ tăng lên khoảng 30 triệu ca vào năm 2040.
Ảnh minh họa |
Ung thư là nguyên nhân gây tử vong thứ hai trên toàn cầu nhưng có thể phòng ngừa và kiểm soát. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận các phương pháp sàng lọc, chẩn đoán và điều trị ung thư ở trong và giữa các quốc gia đang có sự khác biệt khá lớn.
Ước tính 70% trường hợp tử vong do ung thư xảy ra ở các nước có thu nhập thấp đến trung bình, nhưng những nước này hiện chỉ chiếm khoảng 5% chi tiêu toàn cầu trong lĩnh vực chăm sóc và điều trị ung thư. Tại các nước thu nhập thấp và trung bình, cơ sở chăm sóc bệnh nhân còn hạn chế, thiếu và không được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ phòng ngừa ban đầu hay phát hiện sớm, khan hiếm phương tiện tầm soát ung thư làm gia tăng sự chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị.
Thực trạng đáng buồn này càng được phơi bày rõ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 khi mọi nguồn lực y tế tập trung ngăn chặn đại dịch.
Khảo sát của các chuyên gia y tế cho thấy, chất lượng điều trị tốt hơn ở các quốc gia có thu nhập cao góp phần giảm đến 20% số ca tử vong do ung thư tại nhóm các nước này.