PGS Mai Duy Tôn và những đóng góp cho chuyên ngành đột quỵ

0
0

 - PGS Mai Duy Tôn đã được Hội Đột quỵ Thế giới đề cử vào nhóm các cá nhân xuất sắc được vinh danh năm 2022 vì những đóng góp to lớn cho chuyên ngành đột quỵ của Việt Nam và Thế giới...

Là người đặt những viên gạch đầu tiên thành lập Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Mai Duy Tôn cũng vinh dự được cử làm Trưởng Bộ môn Đột quỵ và Bệnh lý mạch máu não thuộc Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội vào ngày 17/5/2022.

Mới đây, PGS Mai Duy Tôn đã được Hội Đột quỵ Thế giới đề cử vào nhóm các cá nhân xuất sắc được vinh danh năm 2022 vì những đóng góp to lớn cho chuyên ngành đột quỵ của Việt Nam và Thế giới.

Năm 2007 là dấu mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của PGS.TS Mai Duy Tôn, hiện là Giám đốc Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai, Trưởng Bộ môn Đột quỵ và Bệnh lý mạch máu não, Đại học Y dược - Đại học Quốc gia Hà Nội. Khi đó anh đang là bác sĩ nội trú tại Khoa Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai. Đây là lần đầu tiên anh được đi nước ngoài học tập tại Bệnh viện Mayo clinic của Mỹ và cũng chính sau chuyến đi này, anh quyết định nghiên cứu sâu về chuyên ngành Đột quỵ.

BS-PGS Mai Duy Tôn
BS-PGS Mai Duy Tôn

PGS Tôn chia sẻ:

Ở Việt Nam, sinh viên y khoa thời điểm đó cứ thấy bệnh nhân đột quỵ là lắc đầu, không thấy có cơ hội cứu sống, con đường với bệnh nhân gần như dừng lại, không tử vong thì gần như tàn phế, rất khó hồi phục.

Sang Mỹ, tôi nhận thấy hệ thống y tế của họ phát triển ngoài tưởng tượng của mình, đặc biệt tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu, điều trị tốt và ít để lại di chứng. Họ ứng dụng nhiều kỹ thuật chuyên sâu vào lĩnh vực đột quỵ, giúp cải thiện kết quả điều trị, chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Việc điều trị cho bệnh nhân đột quỵ không chỉ diễn ra trong thời gian bệnh nhân nằm viện mà còn được duy trì sau khi bệnh nhân xuất viện. Mọi bệnh nhân, kể cả người cao tuổi đều phải tự lập, không có người nhà hỗ trợ như ở Việt Nam. Họ đều phải tập phục hồi chức năng, học cách tự phục vụ bản thân từ những việc nhỏ nhặt nhất.

Từ đó, tôi ấp ủ quyết tâm học hỏi kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực đột quỵ của Thế giới để đưa về ứng dụng tại Việt Nam, mang lại cơ hội cho nhiều bệnh nhân đột quỵ trong nước. Tôi đề xuất lãnh đạo Trung tâm Cấp cứu A9 cho đi nghiên cứu chuyên sâu về đột quỵ.

Từ năm 2009, kỹ thuật tiêu huyết khối được áp dụng trên bệnh nhân đột quỵ và cho kết quả rất ngoạn mục. Nhiều bệnh nhân được điều trị kịp thời, sau khi sử dụng thuốc 1 tiếng đã hồi phục hoàn toàn, nói năng, sinh hoạt bình thường, 1-2 ngày sau ra viện. Sự thay đổi ngoạn mục của bệnh nhân là động lực cho tôi quyết tâm tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về chuyên ngành này.

 Năm 2009, tôi làm nghiên cứu sinh đề tài về đột quỵ và năm 2014 tôi xin được học bổng của Hội Đột quỵ Châu Âu học thạc sĩ đột quỵ. Sang Áo học, tôi thấy hệ thống đột quỵ phát triển ngang tầm Mỹ, những gì kỹ thuật chuyên sâu nhất được áp dụng. Sau đó, được sự ủng hộ của Ban lãnh đạo Bệnh viện và Khoa Cấp cứu A9, Đơn vị Đột quỵ (thuộc A9) đã được thành lập, chuyên điều trị bệnh nhân đột quỵ và ứng dụng kỹ thuật chuyên sâu.

Cấp cứu bệnh nhân đột quỵ phải phối hợp đa chuyên khoa, đặc biệt chẩn đoán hình ảnh để áp dụng các kỹ thuật điện quang mới nhất trong chẩn đoán, điều trị lấy huyết khối cơ học cho bệnh nhân tắc mạch lớn, can thiệp mạch cho bệnh nhân vỡ phình mạch; Phối hợp với khoa Phẫu thuật thần kinh để xử trí các ca cần phẫu thuật lấy máu tụ, kẹp túi phình mạch, mở sọ cho ca nhồi máu não và việc phối hợp đã trở thành thường quy ở Bệnh viện Bạch Mai. Đồng thời, bệnh nhân đột quỵ cũng được tập phục hồi chức năng sớm để hồi phục và hạn chế di chứng.

Nhờ đó, việc điều trị đột quỵ ở Bệnh viện Bạch Mai càng ngày càng đạt được nhiều tiến bộ với các kỹ thuật ngang tầm khu vực. Ngày 9/11/2020, Bệnh viện Bạch Mai thành lập Trung tâm Đột quỵ trên cơ sở Đơn vị Đột quỵ thuộc Trung tâm Cấp cứu A9. Trong thời gian ngắn hơn 2 năm, Trung tâm ra đời đã có những đóng góp cho Bệnh viện Bạch Mai, đặc biệt cho chuyên ngành đột quỵ toàn quốc.

Hàng năm, Trung tâm đã tiếp nhận và điều trị cho số lượng lớn bệnh nhân đột quỵ của miền Bắc. Các kỹ thuật chuyên sâu nhất được Bệnh viện phối hợp với các Trung tâm liên quan trong Bệnh viện triển khai, mang lại kết quả điều trị tốt nhất cho người bệnh. Đây cũng là địa chỉ tin cậy cho bệnh nhân người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Trong cuộc đời làm nghề, PGS.TS Mai Duy Tôn không thể nhớ mình đã cứu sống được bao nhiêu người bệnh bị đột quỵ. "Quan điểm của tôi là tập trung cứu chữa người bệnh trước tiên. Bệnh nhân bị đột quỵ cần phải cấp cứu nhanh chóng. Không thể chờ người nhà bệnh nhân có hay chưa có tiền đóng viện phí, có bảo hiểm hay không?… Nếu bệnh nhân không có tiền sau sẽ có cách. Có trường hợp bệnh nhân không có tiền, tôi kêu gọi mọi đồng nghiệp, nhà tài trợ đến chi trả và cái được, đó là mang lại sự sống cho người bệnh", PGS.TS Mai Duy Tôn chia sẻ.

 

Đột quỵ hiện nay đang là vấn đề thời sự của Thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ với xu hướng đang ngày càng trẻ hóa. Để đảm bảo người bệnh đột quỵ được cấp cứu và điều trị tốt, người bệnh cần được chăm sóc và điều trị chuyên sâu để phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời, điều trị phòng ngừa biến chứng, phòng ngừa nguy cơ tái phát và phục hồi chức năng.

Bên cạnh việc được điều trị tại các đơn vị chuyên điều trị đột quỵ thì cũng rất cần có các nhân sự được đào tạo chuyên sâu, phối hợp đa chuyên khoa theo một quy trình chuẩn hóa để đảm bảo người bệnh được chăm sóc điều trị tốt nhất, giảm thiểu tối đa hậu quả do đột quỵ.

Trước nhu cầu đó, ngày 17 tháng 05 năm 2022, một ngày đặc biệt đánh dấu sự ra đời của Bộ môn “Đột quỵ và Bệnh lý mạch máu não” thuộc Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội. PGS. TS. BS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai vinh dự được cử làm Trưởng Bộ môn.

Bộ môn có sứ mệnh đào tạo các thế hệ bác sĩ chuyên nghành Đột quỵ trong tương lai (Bác sỹ chuyên khoa định hướng, Chuyên khoa 1, Chuyên khoa 2, Bác sỹ nội trú, Bác sỹ cao học và Tiến sỹ) nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng điều trị người bệnh đột quỵ và các bệnh lý mạch máu não. Đồng thời, Bộ môn cũng thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học chất lượng, các hội thảo khoa học… nhằm thúc đẩy sự phát triển của chuyên nghành đột quỵ vươn ra tầm thế giới. Theo dự kiến trong năm nay sẽ tuyển sinh khóa đầu tiên thạc sĩ chuyên ngành đột quỵ.

Với dân số 100 triệu, ước chừng có khoảng 200 nghìn bệnh nhân đột quỵ mới mỗi năm, việc quản lý theo dõi bệnh nhân đột quỵ rất quan trọng. Với người đột quỵ, thời gian là vàng. Bệnh nhân đột quỵ cần được tiếp cận nhanh nhất với các cơ sở y tế có khả năng cấp cứu chuyên sâu về đột quỵ. Ước tính Việt Nam cần gần 400 đơn vị/trung tâm/khoa đột quỵ, nhưng thực tế hiện nay (đến 2022) mới có 125 bệnh viện có khoa đột quỵ, chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu của người bệnh.

Chia sẻ về kế hoạch trong tương lai, PGS Mai Duy Tôn mong muốn xây dựng nhiều Trung tâm/khoa đột quỵ ở các bệnh viện trên toàn quốc để khi người bệnh không may đột quỵ được tiếp cận gần nhất, sử dụng các phương pháp điều trị tốt nhất, tránh những tàn phế và di chứng đáng tiếc.

Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.