- Dù đã được cảnh báo nhưng những chiêu trò mạo danh bác sĩ, lôi kéo bệnh nhân chữa bệnh, bán thuốc vẫn tiếp tục tràn lan trên mạng xã hội và ngay tại chính các cơ sở y tế.
Đáng nói, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi. Không ít bệnh nhân đã phải trả giá đắt cho những sai lầm vì sự cả tin, muốn "đốt cháy giai đoạn", trở thành cơ hội trục lợi cho những đối tượng lừa đảo.
Cam kết điều trị dứt điểm kèm ưu đãi hấp dẫn, lấy tên bệnh viện lớn để bán sản phẩm, không ít người đã mắc bẫy của những kẻ lừa đảo.
Sẵn sàng bỏ ra hàng triệu đồng để mua thuốc điều trị đái tháo đường theo lời dụ của một tài khoản xưng là bác sĩ, nhưng người phụ nữ chưa dám uống bởi thuốc không có nhãn mác và hạn sử dụng.
"Mua là của bác sĩ Lưu Thúy Quỳnh. Mở ra tình cờ thấy có hình ảnh bác sĩ đang khám bệnh, lại có cả số điện thoại, xong họ gọi, họ bán cho mình thuốc này", bệnh nhân chia sẻ. |
Khi sự nghi ngờ càng lúc càng rõ cũng là lúc sự thật được phơi bày.
"Chỉ có đúng mặt mình thôi, còn điện thoại, chứng chỉ hành nghề họ không thể up lên đây được. Bệnh nhân ảnh hưởng nhiều hơn vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe. Về phía nhân viên y tế, tự nhiên mình thành người lừa đảo trên mạng. Thực sự tôi rất là buồn", BSCK1 Lưu Thúy Quỳnh, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết.
Cũng bởi tâm lý muốn "đốt cháy giai đoạn" nên mỗi ngày Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ghi nhận hàng chục trường hợp bệnh nhân bị lừa mua thuốc, sau đó nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Sau thời gian dài bỏ tây y để điều trị bằng thuốc quảng cáo trên mạng, một người phụ nữ này bị suy thận nặng.
"Tình trạng như này chúng tôi gặp hàng ngày. Đối với bệnh nhân gặp chúng tôi thì còn kịp thời kiểm soát, còn bệnh nhân không phản ánh thì hậu quả rất khôn lường", TS. BS. Trần Văn Chiển, Phó Chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho hay.
Không chỉ dừng lại việc mạo danh bác sĩ, lừa đảo bán thuốc trên mạng, mà ngay tại chính bệnh viện, mọi chiêu trò lôi kéo các dịch vụ khám chữa bệnh cũng có "cò" săn đón. Một đường dây dẫn dắt, chèo kéo người bệnh được thiết lập ngay tại bệnh viện.
Danh sách bệnh nhân tiếp tục được nối dài, thậm chí người bệnh còn được dẫn dụ khám bệnh theo "đường vòng".
Nghe thuyết phục, không ít bệnh nhân đã bị cuốn theo những lời dụ dỗ của "cò". Ngang nhiên trục lợi trên sức khỏe của người bệnh, hành vi lừa đảo của các đối tượng ngày càng tinh vi, do đó người bệnh cần hết sức tỉnh táo, tránh tiền mất tật mang.
(tổng hợp)