Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội: Không gây áp lực cho học sinh

0
0

Sở GD&ĐT Hà Nội đã cân nhắc đồng thời mục tiêu vừa không gây áp lực cho học sinh, vừa đảm bảo kiến thức nền tảng để học sinh bước vào cấp học THPT.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

 

Hàng năm, khoảng tháng 3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ công bố môn thi thứ tư của Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học Phổ thông. Bên cạnh 3 môn gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, môn thứ tư được lựa chọn trong các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân.

Đây là kỳ thi có số lượng học sinh dự thi đông, trong khi chỉ tiêu dành cho các trường trung học phổ thông chỉ khoảng 60%, nên thông tin về số lượng môn thi luôn được các nhà trường, phụ huynh và học sinh quan tâm theo dõi.

Mong sớm công bố môn thi thứ 4

Trên mạng xã hội cũng như các diễn đàn thông tin, nhiều phụ huynh có con học lớp 9 nêu ý kiến nên bỏ bài thi thứ 4 để giảm áp lực học tập cho học sinh, hoặc nếu có thì cũng nên công bố sớm môn thi thứ tư để học sinh có thêm thời gian ôn tập, chuẩn bị.

Chị Hoàng Thu Lan (quận Hai Bà Trưng), có con học lớp 9, cho rằng, gia đình chị đặt mục tiêu cho con vào học một trường Trung học Phổ thông thuộc diện top đầu ở gần nhà nên từ đầu năm học đã cho con học thêm 4 buổi/tuần các môn Toán, Văn, Tiếng Anh. Sang học kỳ II, do lo lắng về môn thi thứ 4 sẽ rơi vào Vật lý và Hóa học nên chị đã cho con học thêm 2 môn này.

"Nhiều người bảo tôi lo xa khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chưa công bố môn thi thứ 4. Nhưng nếu không học thêm thì sợ không làm được bài, còn học thì con không có thời gian nghỉ ngơi. Nếu bỏ môn thi thứ 4, học sinh sẽ giảm áp lực rất nhiều. Còn nếu vẫn tổ chức thi 4 môn thì cũng nên công bố sớm để phụ huynh và học sinh có thời gian chuẩn bị, sắp xếp ôn tập", chị Hoàng Thu Lan chia sẻ.

Cũng có ý kiến cho rằng, từ năm học 2022-2023, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã áp dụng cho lớp 10 với mục đích "giáo dục định hướng nghề nghiệp", học sinh không nhất thiết học cả 6 môn nói trên mà sẽ được chọn 4 môn trong 9 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ, Mĩ thuật, Âm nhạc. Do đó, việc tuyển sinh đầu vào theo hướng yêu cầu học sinh học tất cả các môn là không còn phù hợp.

Không gây áp lực cho học sinh

Theo thống kê qua một số năm Hà Nội tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 với 4 môn thi thì điểm của môn thứ 4 luôn ở mức cao nhất. Ngoài việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đăng tải các bộ đề ôn tập trên hệ thống ôn tập trực tuyến, cấu trúc đề thi môn thứ 4 qua các năm không gây khó khăn cho học sinh khi kiến thức hoàn toàn nằm trong chương trình lớp 9.

Từ thực tế trên, chị Trương Tiểu Phương (quận Cầu Giấy) cho rằng, việc Hà Nội tổ chức thi 4 môn không hẳn đã là bất lợi cho học sinh bởi điểm số của môn thứ 4 nhiều khi lại là cứu cánh cho tổng số điểm và dù có tổ chức 3 hay 4 môn thi thì chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội không thay đổi.

"Việc học đều các môn cũng là một lợi thế cho học sinh khi bước vào bậc học cao hơn. Cho dù ở bậc Trung học Phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông mới với mục đích "giáo dục định hướng nghề nghiệp", những kiến thức nền tảng, toàn diện vẫn luôn cần thiết, hỗ trợ rất nhiều cho các con khi lựa chọn nghề nghiệp sau này", chị Phương nêu quan điểm.

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Sở đã xây dựng dự thảo phương án tuyển sinh đầu cấp năm học 2023-2024, trong đó có tuyển sinh vào lớp 10 trình UBND thành phố phê duyệt. Trong đó, Sở đã cân nhắc đồng thời mục tiêu vừa không gây áp lực cho học sinh, vừa đảm bảo kiến thức nền tảng để học sinh bước vào cấp học Trung học Phổ thông.

Để đảm bảo các mục tiêu đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các nhà trường tiếp tục triển khai dạy theo chương trình sách giáo khoa, đảm bảo không để học sinh học lệch, học tủ.

Việc thi 4 môn trong Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học Phổ thông được Hà Nội triển khai từ năm 2019 với môn thi thứ tư là Lịch sử. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, học sinh phải học trực tuyến kéo dài nên thành phố quyết định thi 3 môn.

Năm 2021, Hà Nội tiếp tục tổ chức thi 4 môn nhưng giảm thời gian làm bài của mỗi bài thi cũng như cấu trúc đề thi. Đến năm 2022, học sinh tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nên học sinh chỉ thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ.

Theo VTV

https://vtv.vn/giao-duc/ky-thi-tuyen-sinh-vao-lop-10-tai-ha-noi-khong-gay-ap-luc-cho-hoc-sinh-20230216103943297.htm


Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.