- Viêm đường hô hấp trên là bệnh thường gặp ở trẻ. Bệnh gia tăng theo chu kỳ hằng năm, nhưng xảy ra nhiều khi thời tiết chuyển mùa.
Đường hô hấp trên bao gồm mũi, họng, xoang, hầu và thanh quản. Vì vậy, nhiễm trùng đường hô hấp trên là tình trạng viêm nhiễm một hoặc nhiều cơ quan của đường hô hấp. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các bệnh viêm đường hô hấp trên như cúm, viêm mũi họng… gây ra 10 triệu ca tử vong hàng năm. Một em bé dưới 5 tuổi có thể bị viêm đường hô hấp trên 4 – 6 lần trong một năm, điều này khiến trẻ suy giảm sức khỏe, chậm phát triển cả thể chất và trí tuệ.
Biểu hiện của viêm đường hô hấp trên ở trẻ và những hệ lụy
Viêm đường hô hấp trên ở trẻ là tình trạng viêm nhiễm ở mũi, hầu, họng, xoang, thanh quản... Do đây là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài nên rất dễ bị bệnh, dễ tái phát.
Có nhiều nguyên nhân gây viêm đường hô hấp trên trong đó thường gặp nhất là do virus như cúm, virus hợp bào hô hấp... hoặc vi khuẩn như Hib, phế cầu... và một số yếu tố nguy cơ khác khiến trẻ dễ bị bệnh như trẻ còn nhỏ, sức đề kháng kém, môi trường sống ẩm thấp, kém vệ sinh...
Các triệu chứng điển hình của bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ là sốt, ho, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau cổ họng, ngứa, đau mắt, chảy nước mắt, viêm kết mạc, mệt mỏi, chán ăn...
Trẻ bị nhiễm bệnh đường hô hấp trên nếu không được điều trị kịp thời rất dễ dẫn tới viêm phế quản, viêm phổi.
Một đặc điểm cha mẹ cần lưu ý là diễn biến của trẻ từ mức độ nhẹ sang nặng rất nhanh, do đó việc đánh giá, phân loại, xác định để điều trị kịp thời là rất quan trọng: Viêm mũi họng; Viêm mũi xoang cấp; Viêm họng cấp; Viêm amidan; Viêm VA; Viêm thanh quản và viêm thanh khí phế quản cấp; Viêm phổi...
Cần làm gì khi trẻ bị viêm đường hô hấp trên?
Hầu hết các trường hợp trẻ bị viêm đường hô hấp trên mức độ nhẹ đều được bác sĩ chỉ định cho chăm sóc, theo dõi và điều trị tại nhà. Nếu trẻ sốt trên 38 độ C cần dùng thuốc hạ sốt theo khuyến cáo và thường xuyên lau mát ở các vùng trán, nách, bẹn bằng nước ấm. Ngoài ra, cha mẹ cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, cho trẻ uống nhiều nước. Giữ ấm, vệ sinh thân thể và đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát.
Nếu trẻ bị ngạt mũi, có thể dùng dung dịch nước muối sinh lý nhỏ mũi để làm sạch. Lấy dịch mũi ra bằng dụng cụ hút mũi (không dùng miệng để hút mũi, vì miệng người lớn có nhiều vi khuẩn gây hại), sau đó dùng tăm bông sạch làm khô mũi. Nên đặt trẻ nằm cao đầu hoặc bế trẻ ở tư thế đứng song song với cơ thể mẹ. Nếu trẻ ho nhiều, phụ huynh cũng có thể sử dụng một số thuốc ho thảo dược an toàn hoặc theo khuyến cáo của bác sĩ.
Khi nào cần đưa trẻ bị viêm đường hô hấp trên nhập viện?
Khi trẻ viêm đường hô hấp trên có những triệu chứng dưới đây, phụ huynh cần đưa trẻ đến bác sĩ ngay:
- Trẻ không ăn uống được hoặc bỏ bú.
- Trẻ có biểu hiện khó thở, thở nhanh, thở co lõm lồng ngực… đây là biểu hiện của bệnh viêm phổi, cũng là biến chứng nguy hiểm của viêm đường hô hấp trên.
- Trẻ viêm đường hô hấp trên sốt cao từ 2 ngày trở lên hoặc có các biểu hiện bất thường khác cũng cần để ý và nhập viện ngay để được các bác sĩ khám và điều trị.
Trẻ nhỏ rất dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên, vì vậy, cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ là biện pháp để phòng bệnh, nên tiêm vaccine phế cầu, vaccine cúm... cho trẻ. Cần cho trẻ bú đầy đủ sữa mẹ, không nên cai sữa quá sớm. Hạn chế cho đến nơi đông người vào mùa dịch. Giữ gìn vệ sinh cho trẻ, đặc biệt là thói quen rửa tay trước khi ăn để diệt trừ virus. Phát hiện sớm các triệu chứng của viêm đường hô hấp trên, kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
(tổng hợp)