Các quan chức y tế từ châu Âu và Mỹ đang kêu gọi hành động trên phạm vi quốc tế để giải quyết sự lây lan của dịch cúm gia cầm.
Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng rằng virus cúm gia cầm có thể biến đổi và lây lan sang người. Một số động vật có vú đã được phát hiện nhiễm virus cúm gia cầm đột biến khi dịch này bùng phát trên phạm vi lớn nhất từ trước đến nay.
Virus H5N1 đã giết chết khoảng 208 triệu con chim trên khắp thế giới. Bên cạnh đó, những số liệu mới nhất cho thấy, đã có ít nhất 200 trường hợp động vật có vú mắc cúm gia cầm được ghi nhận.
Tại Vương quốc Anh, Cơ quan Thú y và Thực vật (APHA) thông báo đã tìm thấy 9 con rái cá và cáo có kết quả xét nghiệm dương tính với virus H5N1 gây bệnh cao. Ở Mỹ, virus được tìm thấy ở chồn hôi, gấu, gấu trúc và cáo đỏ. Tại Pháp, virus này đã lây lan sang một con mèo và cũng gây ra một đợt bùng phát tại một trang trại nuôi chồn ở Tây Ban Nha. Cúm gia cầm cũng đã được phát hiện ở hải cẩu và cá heo.
Các nhà nghiên cứu tin rằng những con vật này nhiễm virus thông qua con đường ăn thịt những con chim chết hoặc bị nhiễm bệnh. Người ta lưu ý rằng virus cúm gia cầm được tìm thấy ở những động vật này có dấu hiệu đột biến, cho phép nó lây nhiễm sang động vật có vú dễ dàng hơn. Các nhà khoa học cho biết, họ chưa ghi nhận bất kỳ bằng chứng nào cho thấy virus có khả năng lây nhiễm giữa các loài động vật có vú.
(Ảnh: Getty) |
Các quan chức y tế công cộng hiện đang cảnh báo, virus có thể tiếp tục biến đổi và thậm chí "học" cách lây nhiễm sang người. Tuy nhiên, họ đã lưu ý rằng rủi ro đối với con người là "rất thấp".
Phát biểu với BBC, Giáo sư Ian Brown, người đứng đầu các dịch vụ khoa học của APHA, tuyên bố, "virus chắc chắn đang hoành hành" và kêu gọi hành động quốc tế sâu rộng hơn để giải quyết tình trạng lây lan của dịch bệnh. Ông Brown thừa nhận, đợt lây lan hiện nay có nguy cơ tiềm ẩn bùng phát thành đại dịch như COVID-19.
"Sự lây lan trên toàn thế giới này là một mối quan tâm. Trên toàn cầu, chúng ta cần xem xét các chiến lược mới, những quan hệ hợp tác quốc tế đó, qua đó vượt qua căn bệnh này. Nếu chúng ta không giải quyết vấn đề trên toàn cầu, chúng ta sẽ tiếp tục hứng chịu rủi ro đó", ông Brown nói.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã có khoảng 830 trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 ở người trong 20 năm qua, trong đó có 457 trường hợp tử vong. Năm trường hợp gần đây nhất đã được xác nhận trong đợt bùng phát mới nhất này, được cho là bắt đầu vào tháng 10/2021.
Các quan chức y tế Vương quốc Anh đã kêu gọi người dân không chạm vào bất kỳ con chim chết hoặc bị bệnh nào. Mọi người cũng được yêu cầu báo cáo bất kỳ con chim săn mồi nào (từ 3 con chim nước hoặc mòng biển hoang dã trở lên, hoặc 5 con chim trở lên của bất kỳ loài nào) mà họ tìm thấy đã chết cho Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn nước này.
Theo VTV
https://vtv.vn/the-gioi/cac-nha-khoa-hoc-canh-bao-ve-virus-cum-gia-cam-dot-bien-20230204153532764.htm