- Ngày 9/1, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, ngành y tế thành phố sẽ tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 xuyên Tết Nguyên đán. Trước sự xuất hiện các biến thể mới của Omicron, chuyên gia y tế khuyến cáo cộng đồng tăng cường biện pháp bảo vệ trong dịp Tết và mùa lễ hội đầu năm.
Theo HCDC, đợt cao điểm tiêm phòng COVID-19 sẽ được ngành y tế TPHCM thực hiện từ nay đến hết ngày 2/2/2023. Hoạt động tiêm chủng diễn ra liên tục kể cả thứ Bảy, Chủ nhật và các ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão. Ngành y tế thành phố sẽ tổ chức các điểm tiêm ở tất cả quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các bệnh viện. Những điểm tổ chức tiêm sẽ được treo băng rôn thông báo và đảm bảo an toàn tiêm chủng cho cộng đồng.
Liên quan khả năng miễn dịch cộng đồng trước COVID-19, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, kết quả khảo sát ngẫu nhiên vào tháng 9/2022 ghi nhận, miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19 của người dân sinh sống tại thành phố đạt 98,7%. “Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ cộng đồng của vắc xin sẽ giảm theo thời gian nếu người dân không tham gia tiêm hoặc không tiêm nhắc lại đúng theo quy định, đặc biệt là với đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch” - bà Quỳnh Như nói.
Tình hình dịch COVID-19 vào giai đoạn cuối năm đang diễn biến phức tạp. Trên địa bàn TPHCM đã phát hiện biến thể XBB của Omicron qua các kết quả giải trình tự gen ở người bệnh của OUCRU (đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford) từ những trường hợp điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM. Hiện một biến thể khác có mức độ lây lan nhanh hơn là XBB.1.5 đang lưu hành tại Mỹ, được cảnh báo có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam ở mức cao do sự gia tăng giao lưu đi lại của người dân vào dịp lễ, Tết.
Ảnh minh họa |
Nguy cơ xâm nhập Việt Nam ở mức cao
Phân tích chuyên môn của PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng trường Đại học Y Dược TPHCM về các biến thể mới chỉ ra: “XBB là một loại biến thể phụ do sự bắt chéo của 2 biến thể cũ, sự lai tạo hình thành protein gai hay protein S khác so với protein S cũ sinh ra hiện tượng lẩn tránh miễn dịch. Những người đã có miễn dịch do từng mắc bệnh hoặc tiêm vắc xin có thể không còn được bảo vệ đầy đủ như trước. Tuy nhiên, protein gai sau khi thay đổi thì sự xâm nhập vào tế bào kém hơn so với trước, dù có sự lẩn tránh miễn dịch nhưng khả năng lây lan lại ít hơn”.
Về biến thể XBB.1.5 đang lưu hành tại Mỹ khiến nhiều người mắc bệnh, PGS Đỗ Văn Dũng cho biết: “Biến thể này xuất phát từ XBB. Biến thể mới có sự thay đổi so với XBB thông thường khi có đột biến ở vị trí F468P. Đột biến này giúp protein S dễ xâm nhập vào tế bào bình thường hơn. Do đó, XBB.1.5 có mức độ nguy hiểm hơn. Điều này đã được chứng minh trên thực tế vào tháng 10 năm trước tỉ lệ nhiễm COVID-19 ở Mỹ thấp, nhưng hiện nay có tới 40% số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ là do biến thể XBB.1.5 gây ra”.
PGS Đỗ Văn Dũng cảnh báo, biến thể mới có sự lây lan nhanh, nguy cơ xâm nhập Việt Nam ở mức cao. Khi xuất hiện biến thể mới, chúng ta sẽ gặp khó khăn hơn trong công tác phòng chống dịch COVID-19 so với hiện nay. Các biến thể mới có thể lây lan nhiều hơn nhưng khó xâm nhập qua được hàng rào bảo vệ chủ động như mang khẩu trang, giữ khoảng cách, khử khuẩn tay thường xuyên.
“Mặc dù biến thể mới có khả năng đề kháng một phần các miễn dịch cũ nhưng miễn dịch mỗi người đã có vẫn bảo vệ được cơ thể hạn chế nguy cơ bệnh chuyển nặng, tử vong ở người nhiễm”- ông Dũng nói thêm.
Để chủ động bảo vệ sức khỏe trong dịp Tết, ông Dũng khuyến cáo cộng đồng cần tăng cường mang khẩu trang, không tụ tập nơi đông người, rửa tay thường xuyên, khử khuẩn các bề mặt tiếp xúc. Những người chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ thì nên tiêm vắc xin theo hướng dẫn của ngành y tế.