- Số lượng vắc xin ít ỏi TPHCM nhận được cuối năm trước đến nay đã sử dụng hết. Trong khi tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ nhỏ chưa đạt được mục tiêu đề ra thì thành phố lại rơi vào tình trạng hết vắc xin.
Tại cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh và phục hồi kinh tế diễn ra chiều 5/1, BS Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, cuối tháng 11/2022 HCDC nhận được 10.000 liều vắc xin sởi và hơn 5.000 liều vắc xin bạch hầu – uốn ván – ho gà. Sau khi nhận được số lượng vắc xin trên, ngành y tế đã phân bổ đến các cơ sở tiêm chủng, toàn bộ số vắc xin trên đã sử dụng hết từ giữa tháng 12/2022.
Tình hình khan hiếm, hết vắc xin khiến TPHCM không đạt được tỷ lệ mục tiêu trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng |
“Mới đây, chúng tôi đã nhận được thông báo về kế hoạch cấp vắc xin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia với các loại vắc xin ngừa lao, bạch hầu – uốn ván – ho gà, bại liệt (đường uống), vắc xin sởi, vắc xin sởi – rubela và vắc xin viêm não Nhật Bản. Số lượng đã được thông báo nhưng ngày chính thức tiếp nhận thì chưa có” – BS Hồng Nga nói.
Về tỷ lệ tiêm chủng, BS Hồng Nga cho biết, nhóm trẻ dưới 1 tuổi (sinh năm 2021) tại TPHCM có tỷ lệ tiêm chủng là 86,3% (tính đến hết tháng 11/2022) thiếu 8,7% so với chỉ tiêu cần đạt được (95%). “Trong điều kiện thiếu vắc xin, thành phố đã nỗ lực thực hiện vận động, truyền thông, tổ chức công tác tiêm chủng để đạt được mục tiêu bao phủ tốt nhất có thể về tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ. Chúng tôi hy vọng số lượng vắc xin được cấp sắp tới sẽ giúp thành phố sớm bao phủ đạt tỷ lệ đề ra"- bác sĩ Nga cho biết. .
Theo BS Hồng Nga, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia đã có thông báo về số lượng vắc xin TPHCM sẽ nhận trong thời gian tới gồm: vắc xin ngừa lao (BCG) là 35.000 liều, sởi 33.000 liều, sởi-rubella 30.000 liều, viêm não Nhật Bản 15.000 liều, viêm gan B là 20.000 liều, bạch hầu – ho gà – uốn ván (DPT) là 25.000 liều.