Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, các trường học trên địa bàn tỉnh Lai Châu luôn chú trọng thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý HS bán trú.
Các trường học trên địa bàn tỉnh Lai Châu luôn đảm bảo bữa ăn học sinh đủ chất dinh dưỡng. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN |
Từ đó, các em được học tập, rèn luyện, sinh hoạt trong môi trường giáo dục tốt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Năm học 2022-2023, huyện biên giới Phong Thổ có 48 trường học với gần 21.000 học sinh ở các cấp học, trong đó, 24 trường học có gần 5.700 học sinh bán trú. Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ Khổng Văn Thiện cho hay: Với đặc thù là huyện vùng cao biên giới có đông học sinh bán trú, Phòng Giáo dục luôn chỉ đạo các trường học trên địa bàn thực hiện tốt công tác nuôi dạy học sinh bán trú. Trong đó, các trường chú trọng đảm bảo các bữa ăn của học sinh đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; trang bị đầy đủ chăn, gối cho các em, nhất là vào mùa Đông.
Thực tế hiện nay, nhiều trường học trên địa bàn huyện đang thiếu về cơ sở vật chất. Để chăm lo tốt hơn cho các em, ngành Giáo dục Phong Thổ mong muốn chính quyền các cấp quan tâm đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất tốt hơn cho các trường có học sinh bán trú.
Cách trung tâm thành phố Lai Châu hơn 30km, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ có 644 học sinh; trong đó có 374 học sinh ở bán trú. Hầu hết học sinh ở đây là người dân tộc Mông.
Học sinh rất thích ở lại trường vì có nhiều thời gian học, được ăn ngon hơn, có nhiều bạn bè. Em Chẻo Quý Tiên, học sinh lớp 3A1 (ở bản Trung Hồ, cách trường học 8 km) chia sẻ: "Em thích ở trường hơn vì ở đây có nhiều bạn bè và không phải đi xa. Ở đây, em được ăn ngon và được thầy cô quan tâm".
Thầy giáo Trần Văn Hà, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Trường hiện có một điểm trường chính và 5 điểm trường lẻ tại các bản; trong đó, điểm trung tâm và một điểm bản Chí Sáng có học sinh bán trú. Công tác nuôi dạy học sinh bán trú được Nhà trường quan tâm. Trường luôn cải thiện bữa ăn cho các em, yêu cầu nhà cung cấp thực phẩm phải đảm bảo thực phẩm tươi ngon và thường xuyên thay đổi thực đơn. Đối với học sinh lớp 1, để phụ huynh học sinh yên tâm gửi con ở trường, các thầy, cô giáo đã thay nhau hướng dẫn các em vệ sinh cá nhân, chăm lo cho các em từ bữa ăn đến giấc ngủ.
"Việc tổ chức ăn, ở tập trung tại trường cho học sinh bán trú đã nâng cao tính chuyên cần và ý thức tự học của các em. Số học sinh bỏ học giữa chừng ngày càng giảm. Bên cạnh đó, học sinh có nhiều thời gian tự học, thầy cô có nhiều thời gian quan tâm, kèm cặp học sinh. Từ đó, chất lượng dạy và học của nhà trường ngày được nâng lên", thầy Trần Văn Hà cho biết thêm.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, năm học 2022-2023 có 466 học sinh, trong đó có 312 học sinh ở bán trú. Thầy giáo Đồng Tất Thắng, Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định: Cùng với công tác dạy học, trường đặc biệt quan tâm tới việc nuôi dạy học sinh bán trú. Trường nằm ở độ cao 1.600 mét so với mực nước biển nên khí hậu lạnh hơn. Vào mùa Đông, Nhà trường chuẩn bị đầy đủ chăn, đệm giữ ấm cho các em học sinh. Đối với đơn vị cung ứng thực phẩm, nhà trường yêu cầu mỗi bữa ăn phải đủ 3 món, thường xuyên lấy ý kiến của học sinh để lên thực đơn trong ngày.
Hai trường học được đầu tư xây dựng từ lâu nên hiện nay đã xuống cấp. Trong khi đó, trường có số học sinh đông nên chưa đáp ứng được việc ăn, ở cho học sinh bán trú. Các trường mong muốn tỉnh Lai Châu, huyện Phong Thổ sớm bố trí nguồn lực để đầu tư xây dựng nhà lớp mới tạo thuận lợi cho các em học tập, ăn ở bán trú, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Năm học này, huyện biên giới Mường Tè có 18 trường bán trú, với 4.315 học sinh bán trú. Ông Hà Đình Nhuận, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết, ngay từ đầu năm học, Phòng đã triển khai chỉ đạo tới các đơn vị trường có học sinh bán trú thực hiện nghiêm túc công tác giảng dạy, chăm lo giáo dục học sinh. Phòng tích cực chỉ đạo quyết liệt các trường tăng cường rèn kỹ năng sống cho học sinh bán trú. Trong đó, các em được rèn kỹ năng chăn nuôi, tăng gia sản xuất, trồng rau xanh. Các học sinh vùng sâu vùng xa có mô hình sản xuất riêng. Phòng chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm túc và chi trả chế độ đầy đủ, kịp thời cho học sinh. Mỗi trường thành lập Ban Quản lý bán trú và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cháu.
Theo ông Kiều Hải Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, do đặc thù địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, các trường học có tỷ lệ học sinh bán trú đông. Huyện chỉ đạo các trường học tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; chăm lo học sinh bán trú, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của Đảng, Nhà nước tới học sinh bán trú.
Đồng thời, các trường học thực hiện tốt công tác nuôi dưỡng, đảm bảo chất lượng các bữa ăn và vệ sinh an toàn thực phẩm; rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng thực hành cho học sinh bán trú. Huyện tập trung nguồn lực từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất chỗ ăn, ở cho học sinh nhằm đảm bảo tốt nhất việc ăn ở sinh hoạt tại trường. Bên cạnh nguồn lực Nhà nước, huyện kêu gọi nguồn lực xã hội hóa đầu tư xây dựng nhà lớp học khang trang, để các em học sinh thuận lợi học tập.
Theo VTV
https://vtv.vn/giao-duc/lai-chau-chu-trong-cham-soc-quan-ly-hoc-sinh-ban-tru-20230104112040531.htm