- Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Y tế, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, dịch bệnh COVID-19 và các dịch bệnh khác trên cả nước vẫn được kiểm soát, không ghi nhận các ổ dịch lớn trong cộng đồng, không ghi nhận trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Cụ thể trong kỳ nghỉ Tết, cả nước không ghi nhận trường hợp mắc đậu mùa khỉ. Tính đến nay, cả nước đã ghi nhận tổng số 2 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ (ghi nhận vào tháng 10/2022), là các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, được quản lý kịp thời ngay khi về nước.
Về dịch sốt xuất huyết, từ ngày 20-25/1/2023, cả nước ghi nhận 869 trường hợp mắc mới; không ghi nhận trường hợp tử vong, không ghi nhận các ổ dịch bùng phát tại cộng đồng.
Về dịch tay chân miệng, trong kỳ nghỉ, cả nước đã ghi nhận 85 trường hợp mắc mới; không ghi nhận trường hợp tử vong, không ghi nhận các ổ dịch bùng phát tại cộng đồng.
Bên cạnh đó, cả nước cũng ghi nhận 1 trường hợp mắc sởi trong Tết Nguyên đán; không ghi nhận ca tử vong.
|
||
Về tình hình dịch COVID-19, từ ngày 20- 26/1/2023, cả nước ghi nhận 66 trường hợp mắc trong nước, tại 20 tỉnh, thành phố; không ghi nhận trường hợp tử vong. Tính riêng từ ngày 19 - 25/1/2023, cả nước đã triển khai tiêm được hơn 30.000 liều vaccine phòng COVID-19.
Về công tác khám, cấp cứu, trong 6 ngày Tết Quý Mão 2023, các bệnh viện đã thực hiện khám, cấp cứu cho trên 312.000 người bệnh; có trên 144.000 người bệnh nhập viện, điều trị nội trú; thực hiện gần 16.500 ca phẫu thuật các loại (trong đó có 3.627 ca phẫu thuật do tai nạn, cấp cứu); có 2.337 người bệnh tử vong, đỡ đẻ, mổ đẻ thành công đón 18.020 trẻ chào đời; cho xuất viện trên 112.000 người bệnh; chuyển viện gần 14.000 người; vận chuyển gần 8.000 lượt người bệnh bằng xe cứu thương bệnh viện...
So với cùng kỳ Tết Nhâm Dần 2022, số ca nhập viện liên quan đến tai nạn giao thông (TNGT) tăng 15,6%; số ca tử vong do TNGT giảm 3,6%; số ca khám, cấp cứu do tai nạn pháo nổ tăng 52,7%; số ca khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ khác tăng 25,9%; số ca cấp cứu tai nạn đánh nhau tăng 0,7%; số ca tai nạn do đánh nhau phải nhập viện tăng 1,9%; số ca khám, cấp cứu Tai nạn do sinh hoạt, lao động giảm 16%, nhập viện điều trị tăng 25%.
Công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm và bảo đảm an toàn thực phẩm đã được toàn ngành Y tế, các địa phương và cơ quan chức năng chủ động triển khai nghiêm túc, quyết liệt và đồng bộ. Theo tin từ hệ thống trực đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, từ ngày 20 - 26/1/2023, cả nước không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Bên cạnh đó, trong kỳ nghỉ Tết vừa qua, các cơ sở y tế đã chuẩn bị và cung ứng đủ thuốc phục vụ khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh phục vụ cho nhân dân; tính đến ngày 26/1/2023, chưa ghi nhận thông tin phản ánh về thiếu thuốc, tăng giá thuốc.
Các đơn vị ngành Y tế cũng tổ chức thực hiện báo cáo trực tuyến hàng ngày về tình hình dịch bệnh, cấp cứu, tai nạn giao thông, tai nạn do pháo nổ, pháo hoa, ngộ độc trong dịp Tết...; triển khai các công việc đúng tiến độ, phòng, chống cháy nổ, trực Tết và có kế hoạch thực hiện các công việc ngay sau Tết; duy trì các hoạt động thường xuyên phục vụ chăm sóc, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, tiêm chủng trong những ngày nghỉ Tết...
(tổng hợp)