- Đóng góp ý kiến cho Quy hoạch tổng thể quốc gia, ĐBQH Trần Hoàng Ngân lưu ý, khi vẽ ra quy hoạch phải phân đoạn phù hợp với điều kiện của Việt Nam, “đừng vẽ quy hoạch như New York hay Paris rồi không thực hiện được”…
Trong khuôn khổ kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 6/1, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia, Chính phủ đưa ra hai kịch bản tăng trưởng, phát triển.
Kịch bản thấp, với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 6,3% cho cả giai đoạn 2021 - 2030 và đạt 6,49% mỗi năm vào 2031 - 2050. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến 2030 khoảng 7.500 USD.
Kịch bản cao, dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 7,05% một năm giai đoạn 2021 - 2030 và đạt 7,16% một năm trong giai đoạn 2031 - 2050. Thu nhập bình quân đầu người đến 2050 đạt 27.000-32.000 USD.
Thảo luận tại Tổ 2 (Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Chủ tịch nước lưu ý, với thời gian quy hoạch rất dài, tầm nhìn gần 30 năm trong một giai đoạn thế giới đầy biến động, công nghệ đổi mới sáng tạo phát triển như vũ bão thì tính dự báo trong quy hoạch là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định hiệu quả của quy hoạch. Theo Chủ tịch nước, để quy hoạch không bị lạc hậu, cần có sự đánh giá tình hình, cập nhật thường xuyên; chú trọng bảo vệ các cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương trong bối cảnh biến đổi khí hậu…
Trong các yếu tố quyết định thành công của việc thực hiện quy hoạch, Chủ tịch nước cho rằng cần đặc biệt quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho ý kiến tại phiên thảo luận |
Về một số mục tiêu cụ thể, Quy hoạch xây dựng hai kịch bản. Kịch bản thấp với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 6,3%/năm cho cả giai đoạn 2021-2030, 6,5%/năm giai đoạn 2031-2050 (đạt ngưỡng thấp nhất là nước có thu nhập cao vào năm 2045). Kịch bản phấn đấu với dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 7%/năm cho cả giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng đạt 7,2%/năm trong giai đoạn 2031-2050.
Theo Chủ tịch nước, cần phải chọn phương án tăng trưởng cao với lý do chỉ có tăng trưởng nhanh chóng mới có thể mở rộng quy mô nền kinh tế, đạt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao; củng cố thế và lực của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.
Phát biểu đóng góp ý kiến tại tổ, đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia lần này giống như “sách trắng” của Chính phủ, trong đó đưa ra những khuyến cáo nhiều hơn là một bản quy hoạch.
Do vậy, ông băn khoăn về các con số cụ thể. "Tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2031-2050 đặt ra là khoảng 6,5%, như vậy các cực tăng trưởng như TP Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh phải tăng trưởng gấp đôi so với bình quân cả nước thì mới kéo được tăng trưởng chung của cả nước", đại biểu nói.
Đặc biệt, với con số tỷ lệ đô thị hóa 70-75% mà Dự thảo đặt ra, đại biểu Nguyễn Trúc Anh băn khoăn liệu có khả năng đạt được không?
“Điều này cũng gây ra sự mâu thuẫn với phát triển nông nghiệp. Nếu tính như vậy chúng ta sẽ mất hết đất sản xuất nông nghiệp để dành cho đất phát triển đô thị. Đây là con số phải cảnh giác. Vì quan điểm của chúng ta là gìn giữ thiên nhiên, các loại đất cho tương lai sau này. Trình độ, mức sống của người dân được nâng cao, thu hẹp dần khoảng cách sống giữa nông thôn và thành thị không? - Đó mới là mục tiêu để chúng ta nhìn vào”, đại biểu Nguyễn Trúc Anh phân tích.
Đại biểu Trần Công Phàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương thì nhấn mạnh yêu cầu quy hoạch phải phát huy được những lợi thế, thế mạnh, những ưu thế của đất nước và các vùng, các địa phương để trên cơ sở đó có được sự đầu tư phát triển cho đúng và trúng, cũng như xây dựng cơ chế đặc thù cho địa phương một cách phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia chỉ làm hai nội dung chính. Theo đó, một là, định hướng mang tầm quy mô quốc gia theo giai đoạn phát triển nhất định và hai là tổ chức lại không gian phát triển.
Tại tổ TP.HCM, đặc biệt nhấn mạnh đến tình trạng quy hoạch treo, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, cần học tập kinh nghiệm các nước, đó là khi thực hiện, vẽ ra đồ án thì phải đặt trong bối cảnh nguồn lực của Việt Nam. Theo ĐB Ngân, nguồn lực đầu tư công có hạn nên thay vì đầu tư dàn trải trước đây, cần phải chuyển hướng đầu tư trọng điểm. Gắn với đó, thể chế phải khai thác được nguồn lực trong dân, gắn với đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động nguồn lực này trong xã hội…
“Đang chỉ mới là quy hoạch và ý tưởng mà khu nhà dân đã được quy hoạch thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người dân nên cần phải có tầm nhìn và phân đoạn, thông báo cho người dân để tránh họ phải lo lắng sẽ dính quy hoạch”, ĐB Trần Hoàng Ngân nêu ý kiến và ví von: “Đừng vẽ như New York hay Paris rồi không thực hiện được”.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh) |
Đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng cũng bày tỏ đồng tình với quan điểm Quy hoạch tổng thể quốc gia nên tập trung tạo lập, phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng, các hành lang kinh tế Bắc Nam, Đông Tây và hình thành các đầu tàu dẫn dắt đất nước. Quy hoạch để tạo không gian phát triển quốc gia thống nhất, đảm bảo liên kết nội vùng, liên kết vùng và khai thác lợi thế của từng vùng.
“Quy hoạch sẽ lựa chọn một số vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng các trung tâm kinh tế, tài chính, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt với thể chế, chính sách đặc thù và có tính vượt trội, đột phá,” đại biểu Lã Thanh Tân đề xuất.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) thì cho rằng, trong quy hoạch cần làm rõ ngành nào là xương sống của nền kinh tế và cần ưu tiên cho ngành nào, việc phân bổ nguồn lực ra sao để hình thành các vùng trọng điểm kinh tế.
Về vấn đề kinh tế biển, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh hơn đến việc phát triển ngành du lịch biển của Việt Nam, theo đó cần tạo sự khác biệt so với các quốc gia trong khu vực để thu hút khách du lịch. Cùng với đó, cần chú trọng quy hoạch các cảng-hải cảng ven biển để trở thành nơi thu hút phát triển kinh tế, du lịch.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho biết, quy hoạch đã đề cập đến không gian biển cho các ngành lĩnh vực có nhu cầu sử dụng không gian biển. Tuy nhiên, theo ông, ở Việt Nam, các điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển điện gió, điện Mặt Trời, vì thế, trong quy hoạch cần chú trọng đến việc xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp điện, tạo động lực phát triển kinh tế.
Đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm vào quy hoạch những nội dung để giúp hậu cần nghề cá phát triển tại các đảo.