- Công chứng viên của Việt Nam hiện nay hầu như chỉ dựa vào giấy tờ, tài liệu do người yêu cầu công chứng cung cấp để xác định tính xác thực, hợp pháp của hồ sơ yêu cầu công chứng chứ chưa xác minh thực tế, đánh giá về thực trạng chủ thể, đối tượng, nội dung mà các hợp đồng, giao dịch đề cập…
Ảnh minh họa |
Báo cáo của Chính phủ về sự phù hợp, tính khả thi, thống nhất, đồng bộ và hiệu quả thực tế của các quy định trong Luật Công chứng cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục.
Theo đó, công chứng viên của Việt Nam hiện nay hầu như chỉ dựa vào giấy tờ, tài liệu do người yêu cầu công chứng cung cấp để xác định tính xác thực, hợp pháp của hồ sơ yêu cầu công chứng chứ chưa xác minh thực tế, đánh giá về thực trạng chủ thể, đối tượng, nội dung mà các hợp đồng, giao dịch đề cập.
Bên cạnh đó, việc xác định bản dịch thuộc phạm vi công chứng còn chưa đúng bản chất công chứng (thực chất đây là việc thuộc phạm vi chứng thực - chứng thực chữ ký người dịch). Nhiều công chứng viên chưa đủ kiến thức về ngôn ngữ (ngoại ngữ) để chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của bản dịch. Do đó, quy định về công chứng bản dịch chưa thực sự phát huy tác dụng trong thực tiễn.
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, phạm vi các giao dịch công chứng bắt buộc còn chưa thật rõ, quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau; thời điểm có hiệu lực của giao dịch, hợp đồng phải công chứng còn quy định chưa thống nhất; một số trình tự, thủ tục công chứng không còn phù hợp với thực tiễn, chưa tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Về bất cập trong quá trình triển khai thực hiện quy định của pháp luật về hoạt động công chứng, Báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh: Chất lượng một số công chứng viên và người được giao làm nhiệm vụ công chứng còn chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế, tính chuyên nghiệp chưa cao; còn tình trạng vi phạm pháp luật, đạo đức hành nghề, cạnh tranh không lành mạnh, chạy theo lợi nhuận gây ảnh hưởng đến uy tín của nghề công chứng trong xã hội (Có tình trạng trích hoa hồng cho người yêu cầu công chứng hoặc người môi giới việc công chứng tại Văn phòng công chứng để thu hút những người này sử dụng dịch vụ công chứng của tổ chức mình.)
Việc hợp danh của các công chứng viên tại một số tổ chức hành nghề công chứng còn mang tính hình thức. Tình trạng xin rút hợp danh, gia nhập Văn phòng công chứng của công chứng viên còn dễ dãi, chưa có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát, thực tế đã phát sinh một số tranh chấp giữa các thành viên hợp danh trong một Văn phòng công chứng.
Bên cạnh đó, tỷ lệ viên chức lãnh sự, ngoại giao được giao thực hiện việc công chứng có trình độ cử nhân luật, được đào tạo, bồi dưỡng nghề công chứng còn thấp.
Việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng còn chưa nhất quán, có phần lúng túng, không đồng đều, chưa gắn với địa bàn dân cư, hầu hết tập trung tại những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển.
Sau khi bỏ quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng, đã xuất hiện xu hướng các Văn phòng công chứng chuyển về đô thị hoặc trung tâm của huyện, thị dẫn đến tình trạng một số địa phương tại một số địa bàn cấp huyện không có Văn phòng công chứng hoạt động. Một số Văn phòng công chứng chỉ có 01 công chứng viên hành nghề thực tế, công chứng viên hợp danh còn lại chỉ đứng danh.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công chứng tuy đã được thực hiện nhưng mới chỉ là bước đầu, chưa tương xứng với sự phát triển các nhu cầu giao dịch dân sự, kinh tế và sự chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực liên quan. Hiện nay vẫn chưa có cơ sở dữ liệu công chứng quốc gia thống nhất trong cả nước; việc chia sẻ cơ sở dữ liệu công chứng và cơ sở dữ liệu liên quan còn hạn chế.
Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước về công chứng có mặt còn chưa thực sự hiệu quả, kịp thời; có lúc, có nơi còn lúng túng; công tác thanh tra, kiểm tra tuy đã được chú trọng nhưng chưa theo kịp với sự gia tăng số lượng tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên, sự phát triển của hoạt động công chứng.
Bên cạnh đó, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên chưa thực sự phát huy đầy đủ vai trò tự quản nghề nghiệp; hoạt động của Hiệp hội và các Hội công chứng viên chưa phong phú, đa dạng; có không ít Hội công chứng viên hầu như chỉ thực hiện thủ tục gia nhập và rút khỏi Hội mà chưa tập trung thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn khác của Hội đối với quá trình hành nghề của hội viên, đặc biệt là nhiệm vụ đại diện, bảo vệ hội viên, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ, chủ động phát hiện sớm các hành vi vi phạm, phối hợp với Sở Tư pháp trong việc quản lý hội viên…
Phát triển tự do theo cơ chế thị trường một cách tràn lan
Nguyên nhân của những bất cập được Chính phủ nhấn mạnh nhất là trình trạng một số công chứng viên chưa cập nhật đầy đủ kiến thức pháp luật; chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, phẩm chất chính trị, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp còn hạn chế; chưa có ý thức trong việc xây dựng và bảo vệ uy tín, hình ảnh của nghề, thậm chí có công chứng viên tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng nghề công chứng.
Cùng với đó, nhận thức về vị trí, vai trò của nghề công chứng ở một số nơi còn chưa đầy đủ, vẫn còn cách hiểu coi công chứng là hoạt động kinh doanh thông thường, khuyến khích phát triển tự do theo cơ chế thị trường dẫn đến việc phát triển “tràn lan”, gây khó khăn cho công tác quản lý. Nhận thức về nghề công chứng của một bộ phận công chứng viên chưa đầy đủ, còn tình trạng chạy theo lợi nhuận, lợi ích cá nhân trong quá trình hành nghề.
Bên cạnh việc thiếu các quy định pháp luật, hiện vẫn chưa thực sự có giải pháp hữu hiệu trong bố trí các nguồn lực để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động công chứng.
Qua rà soát cho thấy, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước còn mỏng, chưa ổn định. Nhiều địa phương, số lượng công chức làm việc ở Phòng Bổ trợ tư pháp (có nơi là Phòng Hành chính tư pháp và Bổ trợ tư pháp; Phòng Thanh tra và Bổ trợ tư pháp...) chỉ có một đến hai người trong khi phải triển khai nhiều nhiệm vụ trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp (Luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, đấu giá tài sản, trọng tài, hòa giải thương mại, quản tài viên, thừa phát lại) - lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn sâu và xã hội hóa mạnh như: công chứng, đấu giá tài sản, thừa phát lại, giám định tư pháp...
Bên cạnh đó, công tác nhân sự thường xuyên có thay đổi dẫn đến thiếu công chức có kiến thức chuyên sâu, kinh nghiệm trong quản lý hoạt động công chứng. Năng lực quản trị, tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên còn có điểm hạn chế; chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của đội ngũ công chứng viên; còn tình trạng nể nang, chưa dám đấu tranh, tố cáo những sai phạm trong hoạt động hành nghề công chứng.