- Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định chuyển Trường đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội.
Như vậy, ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM và ba đại học vùng là Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên, hiện có thêm Đại học Bách khoa Hà Nội.
Theo mô hình mới, Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng.
Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức lại cơ cấu tổ chức, hoạt động dựa trên cơ sở Trường đại học Bách khoa Hà Nội trước đây. Thủ tướng yêu cầu việc tổ chức lại phải đảm bảo hoạt động bình thường, không gây thất thoát, lãng phí tài chính, tài sản.
Theo quy định hiện hành, đại học là một tổ chức giáo dục có các trường đại học thành viên và khoa trực thuộc. Đại học đào tạo nhiều lĩnh vực, trong mỗi lĩnh vực có thể có nhiều ngành khác nhau. Người đứng đầu đại học là giám đốc, khác với trường đại học người đứng đầu là hiệu trưởng.
So với trường đại học, cơ sở đại học có cơ hội nhiều hơn trong việc xây dựng cơ chế đào tạo linh hoạt, tạo cơ hội nhiều hơn cho người học, có vị thế cao hơn trong đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Trường đại học Bách khoa Hà Nội là một cơ sở đào tạo uy tín hàng đầu trong khối đào tạo kỹ thuật công nghệ.
Tháng 4-2022, Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS) của Anh công bố bảng xếp hạng đại học thế giới theo nhóm ngành năm 2022 (QS World Ranking by subjects 2022).
Theo đó, Trường đại học Bách khoa Hà Nội có lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ và năm nhóm ngành được xếp hạng bao gồm: kỹ thuật điện - điện tử; kỹ thuật cơ khí, hàng không và chế tạo; khoa học máy tính và hệ thống thông tin; toán học; khoa học vật liệu.
Cả năm nhóm ngành được xếp hạng năm nay của Trường đại học Bách khoa Hà Nội đều tăng hạng, đứng đầu Việt Nam và xếp ở vị trí từ 300 - 450 tốt nhất thế giới, đưa lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ của trường xếp thứ 360 thế giới.