- Tổng Bí thư đề nghị Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm kết hợp giữa "xây" và "chống", lấy xây là chính, phòng ngừa là cơ bản…
Sáng 30/12, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022 - 2027, đã khai mạc phiên chính thức tại Thủ đô Hà Nội.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong các lực lượng vũ trang, hàng triệu cán bộ, chiến sĩ đã ra quân, trở về với quê hương hoặc chuyển ngành sang công tác ở các cơ quan trên mọi lĩnh vực. Cựu chiến binh là những người đã trải qua chiến đấu, rèn luyện và trưởng thành qua khói lửa của các cuộc kháng chiến, đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày nay đang là một bộ phận rất quan trọng của xã hội.
Tổng Bí thư ghi nhận: Những kết quả công tác và thành tích mà Hội Cựu chiến binh Việt Nam đạt được trong thời gian qua là rất đáng trân trọng, góp phần để "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
“Đảng và Nhà nước đánh giá cao hoạt động và những đóng góp của Hội Cựu chiến binh Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các đồng chí xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Tôi xin thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng và cảm ơn Hội Cựu chiến binh Việt Nam và toàn thể các bác, anh chị em cựu chiến binh, cựu quân nhân trong cả nước về những kết quả, thành tựu rất đáng trân trọng đó.” – Tổng Bí thư nói.
Bên cạnh những kết quả, thành tựu đã đạt được, rất đáng tự hào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng thẳng thắn chỉ rõ: Trong nhiệm kỳ vừa qua, hoạt động của Hội cựu chiến binh vẫn còn những hạn chế. Đó là, chất lượng, hiệu quả hoạt động của một số tổ chức Hội còn thấp. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có nơi làm chưa tốt.
“Các hội viên cựu chiến binh đại đa số là tốt, song cá biệt cũng còn một số có biểu hiện tiêu cực như công thần, dao động, thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước; có người còn vi phạm kỷ luật và pháp luật. Công tác phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, cơ quan, ban, ngành, có lúc, có nơi chưa thật chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Việc thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội có mặt còn hạn chế” – Tổng Bí thư nói và đề nghị Đại hội tập trung thảo luận kỹ, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm để có biện pháp khắc phục hiệu quả trong nhiệm kỳ tới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Đại hội |
Theo Tổng Bí thư, Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ nhiệm vụ: "Động viên cựu chiến binh phát huy bản chất, truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ" trong xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; giúp nhau làm kinh tế, cải thiện đời sống; Tăng cường vai trò của hội viên trong việc giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng và củng cố cơ sở chính trị, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh".
Để phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư đề nghị Hội Cựu chiến binh Việt Nam ở các cấp cần làm tốt hơn nữa vai trò là nòng cốt chính trị, có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động mọi khả năng phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức tốt cuộc sống của cộng đồng dân cư, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hành dân chủ, xây dựng sự đồng thuận xã hội để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong giai đoạn mới. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ phải là ba chân kiềng vững chắc của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ta, Tổ quốc ta.
Tổng Bí thư đề nghị Hội cựu chiến binh các cấp cần tiếp tục quán triệt và tổ chức cho cán bộ, hội viên thực hiện thật tốt nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của Hội là: Kiên quyết bảo vệ các thành quả của cách mạng, góp phần làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình", "phi chính trị hóa quân đội" của các thế lực thù địch; là lực lượng chính trị tích cực, đi đầu tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa;
Thường xuyên tập hợp, phản ánh với các cấp ủy, chính quyền ý kiến của cựu chiến binh, của nhân dân về những chủ trương phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh...; là nòng cốt trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; dựa vào dân, nhạy bén phát hiện những vấn đề bất cập hoặc mới phát sinh để kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, khắc phục những vấn đề gây bức xúc trong các tầng lớp nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Đặc biệt, Tổng Bí thư đề nghị Hội cần tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm kết hợp giữa "xây" và "chống", lấy xây là chính, phòng ngừa là cơ bản, khắc phục những thói hư, tật xấu trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước; đồng thời cảnh giác, không để các phần tử xấu và kẻ địch lợi dụng gây mất đoàn kết nội bộ, vu cáo, bôi nhọ, đả kích, chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề nghị Hội cựu chiến binh các cấp cần khai thác tối đa mọi nguồn lực và chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với cựu chiến binh; phối hợp lồng ghép các chương trình, các cuộc vận động trong cựu chiến binh một cách có hiệu quả; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào "Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi";
Theo Tổng Bí thư, bằng bản lĩnh chính trị, bằng tâm huyết trách nhiệm và sự nêu gương của mình, các cấp hội và hội viên cựu chiến binh cần tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác giáo dục truyền thống và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thụ kinh nghiệm cho thế hệ trẻ; đồng hành với thanh niên trong phong trào lập thân, lập nghiệp, phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, coi đó là một nhiệm vụ vẻ vang và là trách nhiệm, tình cảm của Hội đối với thanh, thiếu niên thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.
Tổng Bí thư yêu cầu chăm lo xây dựng Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; đổi mới mạnh mẽ phương thức và nội dung hoạt động để Hội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, bảo đảm phù hợp với đối tượng, hướng mạnh về cơ sở, coi trọng chất lượng, hiệu quả; tránh phô trương, hình thứ; Chú trọng phát triển, củng cố tổ chức Hội, nhất là ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, đoàn thể, doanh nghiệp; quan tâm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của cựu chiến binh…
“Nhân đây, tôi đề nghị các cấp ủy đảng từ Trung ương đến cơ sở cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng hoạt động cho các cấp hội cựu chiến binh; có cơ chế và tạo điều kiện thuận lợi để các cấp hội tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể nhân dân xây dựng mối quan hệ và phối hợp đồng bộ, chặt chẽ hoạt động với Hội Cựu chiến binh Việt Nam, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; chỉ đạo các cấp chính quyền, các ngành liên quan tiếp tục bổ sung, ban hành và thực hiện các chế độ, chính sách phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Hội, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của cựu chiến binh" - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.