- Đối với bài toán đồng hóa số liệu radar và bài toán xây dựng bản đồ mưa chi tiết (1km x 1km), Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đề xuất tiếp tục kế thừa các kết quả dự án trong việc thực hiện các quá trình kiểm tra, kiểm chuẩn và đồng bộ số liệu…
Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, trong năm 2022, thời tiết và khí hậu nước ta chịu ảnh hưởng của hiện tượng ENSO ở trạng thái La Nina. Tổng cộng đã xảy ra 18/22 loại hình thiên tai.
Cụ thể, tính đến ngày 15/12, trên khu vực Biển Đông đã có 9 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 17 đợt không khí lạnh xâm nhập xuống nước ta; 14 đợt nắng nóng trên diện rộng; 26 đợt mưa lớn trên diện rộng.
Các sông khu vực Bắc Bộ đã xuất hiện 11 đợt lũ, chủ yếu trên các sông suối nhỏ với biên độ lũ lên phổ biến từ 2-11m. Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên đã xuất hiện 5 trận lũ trên diện rộng và một số trận lũ xảy ra cục bộ trên các sông nhỏ. Tại khu vực Nam Bộ, mùa lũ năm 2022, ở Đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện lũ nhỏ.
Về hạn hán, xâm nhập mặn, nguồn nước trên các sông ở khu vực Bắc Bộ từ tháng 1 đến tháng 6 phổ biến lớn hơn trung bình nhiều năm từ 10-150%. Tại khu vực Nam Bộ, trong mùa khô năm 2021-2022, từ tháng 1-3, mực nước trên các trạm dòng chính sông Mê Công phổ biến ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm.
Về triều cường, sóng lớn, nước dâng do bão, trong năm 2022, khu vực ven biển chịu ảnh hưởng của nhiều đợt sóng lớn trong bão và gió mùa. Bão số 4, 5 và 6 đã gây nước dâng tại ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia |
Về các hiện tượng thời tiết cực đoan khác, trong năm đã xảy ra nhiều đợt mưa dông trên diện rộng kèm các hiện tượng lốc, sét gây thiệt hại về người và tài sản.
Trong năm 2022, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình KTTV trên phạm vi cả nước. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ và chủ động trao đổi về nghiệp vụ với các Đài KTTV khu vực có biển để đảm bảo tốt công tác thông tin, liên lạc và nắm bắt diễn biến thời tiết thực tế, nâng cao chất lượng dự báo phục vụ; các sản phẩm dự báo hải văn được cập nhật hàng ngày trên mạng nghiệp vụ và chia sẻ với các Đài KTTV khu vực có biển để các Đài tham khảo trong dự báo nghiệp vụ.
Để thực hiện thành công các nhiệm vụ trọng tâm trong năm tới, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đề xuất Tổng cục KTTV chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thiện và đảm bảo khai thác cơ sở dữ liệu đầy đủ, kịp thời từ hệ thống phần mềm tích hợp dữ liệu và hỗ trợ dự báo (CDH) phục vụ công tác dự báo, cảnh báo.
Đối với bài toán đồng hóa số liệu radar và bài toán xây dựng bản đồ mưa chi tiết (1km x 1km), cần tiếp tục phối hợp giữa các đơn vị, kế thừa các kết quả dự án trong việc thực hiện các quá trình kiểm tra, kiểm chuẩn số liệu và đồng bộ số liệu (radar của Nhật và radar của Mỹ, Phần Lan) về cơ sở dữ liệu chung.
Các đơn vị thuộc Tổng cục KTTV cũng cần phối hợp với Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia thực hiện cập nhật và phát triển, hoàn thiện mô hình, công nghệ phục vụ dự báo, cảnh báo thủy văn, đặc biệt chú trọng các mô hình cảnh báo ngập úng đô thị...
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, trong năm tới, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia tiếp tục đẩy mạnh việc chuẩn hóa hệ thống dự báo, sử dụng hiệu quả hơn nữa hệ thống CDH để nó trở thành “xương sống” của hệ thống dữ liệu, hệ thống dự báo và tiến tới là hệ thống để Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia quản lý, đánh giá dự báo một cách bài bản, biến năng lực công nghệ thành năng lực sản xuất ra các sản phẩm dịch vụ KTTV để phục vụ cho phòng tránh thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia triển khai kế hoạch đổi mới công tác dự báo thủy văn và hải văn, để “người làm khí tượng hải văn như người lính trinh sát cung cấp thông tin chính xác, kịp thời trong tất cả các hoạt động trên biển.”