- Tính đến nay, tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã triển khai thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến, giúp đồng bộ, thống nhất dữ liệu, giảm thời gian tác nghiệp cho công chức làm công tác hộ tịch.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 6 năm thi hành Luật Hộ tịch do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 18/12.
Hơn 58,1 triệu dữ liệu hộ tịch
Theo Báo cáo của Bộ Tư pháp, hiện nay, người dân có thể đăng ký hộ tịch theo các phương thức thuận lợi nhất. Họ có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan đăng ký hộ tịch, gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính, hoặc nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công cấp tỉnh (nay là Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh).
Báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết: Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với cốt lõi là Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung đã kết nối với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên đối với các thủ tục đăng ký hộ tịch, trong đó có 03 dịch vụ công thiết yếu là: thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử.
Đến nay, tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã triển khai thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến, giúp đồng bộ, thống nhất dữ liệu, giảm thời gian tác nghiệp cho công chức làm công tác hộ tịch.
Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đã nâng cao chất lượng công tác đăng ký, thống kê hộ tịch (Civil Registration and Vital Statistics - CRVS), thúc đẩy đăng ký hộ tịch trực tuyến, đồng thời đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình thực hiện trực tuyến tất cả các dịch vụ công trong lĩnh vực hộ tịch.
Đồng thời, từ năm 2019 đến nay, thông qua việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ TT&TT, BHXH Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện liên thông 02 nhóm TTHC: Đăng ký khai sinh - cấp Thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi hoàn toàn trên môi trường điện tử tại tất cả các địa phương trên toàn quốc, rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục cấp Thẻ bảo hiểm y tế, góp phần triển khai hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Tính đến ngày 12/12/2022, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đã ghi nhận có tổng số hơn 58,1 triệu dữ liệu hộ tịch các loại, gồm trên 36,3 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có trên 8,1 triệu trường hợp trẻ em được đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân thông qua việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trên 4,3 triệu trường hợp đăng ký khai sinh được chuyển sang cơ quan bảo hiểm xã hội để cấp Thẻ bảo hiểm y tế; trên 8 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn; 6 triệu dữ liệu đăng ký khai tử và trên 7,8 triệu dữ liệu đăng ký các sự kiện hộ tịch khác.
Khó khăn về nguồn lực, nhân lực
Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật Hộ tịch cho thấy còn có những tồn tại mà Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành liên quan và UBND các cấp cần nỗ lực ưu tiên giải quyết trong thời gian tới như: việc triển khai xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực; đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch còn thiếu ổn định, thường xuyên phải kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng bổ sung; tỷ lệ đăng ký khai tử còn thấp; tính kịp thời và đầy đủ khi đăng ký các sự kiện hộ tịch cần phải được cải thiện.
Để tháo gỡ được những khó khăn này, Bộ Tư pháp cần củng cố, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp có liên quan, đồng thời đề xuất các cấp chính quyền tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch, đặc biệt ở cấp huyện và cấp xã. Bên cạnh đó, cần đảm bảo phân bổ ngân sách phù hợp cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch từ Trung ương đến địa phương.
Với chủ đề xuyên suốt:“Tăng cường đăng ký, thống kê hộ tịch nhằm thúc đẩy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân vì mục tiêu phát triển bền vững”, Hội nghị tổng kết 06 năm thi hành Luật Hộ tịch là sự kiện nổi bật, tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của công tác đăng ký, thống kê hộ tịch, góp phần hướng đến tầm nhìn chung được tuyên bố tại Hội nghị Bộ trưởng về đăng ký, thống kê hộ tịch vào năm 2014 với khẩu hiệu “Get everyone in the picture” (Tạm dịch là “Để mọi người có mặt trong ảnh”) và tiếp tục được khẳng định tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ hai vào năm 2021, hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc.
Hội nghị này được sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) hợp tác với tổ chức Vital Strategies thông qua “Sáng kiến dữ liệu cho sức khỏe” nhằm cải thiện hệ thống CRVS của Việt Nam. Các hỗ trợ kỹ thuật nhằm giúp Bộ Tư pháp cải thiện quy trình nghiệp vụ về CRVS, thí điểm mô hình đăng ký khai sinh và khai tử trên môi trường điện tử, rà soát và đề xuất tăng cường hơn nữa khung pháp lý CRVS, và cải thiện sự hợp tác giữa các Bộ, ngành liên quan trong việc chia sẻ dữ liệu CRVS phục vụ cho công tác hoạch định chính sách.