- Trong khuôn khổ của dự án “Nâng cao năng lực nữ lãnh đạo trong giáo dục đại học hướng tới thời đại chuyển đổi số và toàn cầu hóa”, do PGS.TS Trần Thị Thanh Tú - Trưởng Ban Xúc tiến Đầu tư, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Nhà khoa học ĐHQGHN làm Trưởng nhóm dự án, vừa qua, tại Trường Đại học Kinh tế & Quản trị Kinh doanh - Đại học Thái Nguyên (đối tác chính của dự án) đã tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Tăng cường kết nối và nâng cao năng lực mạng lưới nữ lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học khu vực ASEAN”.
Hội thảo nằm trong chuỗi các sự kiện và đối thoại về nâng cao năng lực cho các nữ lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục đại học, với mục tiêu tạo ra một diễn đàn trao đổi về các cơ hội, thách thức, cũng như đưa ra các khuyến nghị nhằm tăng cường kết nối và nâng cao năng lực mạng lưới nữ lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học khu vực ASEAN. Hội thảo có sự tham gia của 150 đại biểu tham dự, là các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo các trường đại học, giảng viên, nhà nghiên cứu của các nước: Anh, Úc, Malaysia, Indonesia… và Việt Nam.
Dự án “Nâng cao năng lực nữ lãnh đạo trong giáo dục đại học hướng tới thời đại chuyển đổi số và toàn cầu hóa” (EWL) được tài trợ bởi Hội đồng Anh và sự chủ trì tham gia của các trường đại học, bao gồm: Đại học quốc gia Hà Nội (chủ trì) phối hợp với Đại học Coventry (Anh); Trường Đại học Phenikaa; Trường Đại học Kinh tế & Quản trị Kinh doanh - Đại học Thái Nguyên.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo Quốc tế, PGS.TS Đỗ Anh Tài đã khẳng định: Thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ có ý nghĩa quan trọng, hướng tới tăng cường bình đẳng giới và nâng cao hiệu quả, hiệu quả tăng trưởng kinh tế - xã hội. Thiếu hụt phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo, quản lý được cho là xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của việc phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý còn hạn chế; thiếu cơ chế, điều kiện thuận lợi để phụ nữ thực hiện đầy đủ quyền công dân; và bản thân phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở các nước nghèo hoặc đang phát triển thường thiếu tự tin và thiếu sự ủng hộ của các bên trong việc tham gia quản lý. Đối với Trường Đại học Kinh tế & QTKD - Là một trong những cơ sở giáo dục đại học hàng đầu khu vực Trung du và miền núi phía Bắc Việt Nam, Nhà trường luôn nhận thức được tầm quan trọng của việc trao quyền cho các nữ lãnh đạo, đặc biệt trong bối cảnh số hóa và toàn cầu hóa. Sự phát triển của các nhà lãnh đạo nữ, bao gồm cả những người ở cấp cao hơn.
Hội thảo đã diễn ra nhiều với nội dung trong đó tập trung về: Vai trò của nữ lãnh đạo trong giáo dục đại học, chuyển đổi số và toàn cầu hoá trong giáo dục đại học; Các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho nữ lãnh đạo các trường Đại học trong thời đại chuyển đổi số và toàn cầu hóa; Nâng cao năng lực quản trị Đại học, quản lý giảng dạy và nghiên cứu khoa học, quản trị sự thay đổi và đổi mới sáng tạo cho nữ lãnh đạo các trường đại học nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và toàn cầu hoá.
Hội thảo với nhiều bài tham luận ý nghĩa xoay quanh chủ đề chuyển đổi số, vài trò của nữa lãnh đạo, …được trình bày khoa học từ các diễn giả nổi tiếng và uy tín trong và ngoài như Anh, Úc, Malaysia, Indonesia, …
Tại hội thảo còn nhận được nhiều ý kiến thảo luận, đóng góp từ các đại biểu là à các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo các trường đại học, giảng viên, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế.
Bằng việc xây dựng một nền tảng kỹ thuật số, cung cấp một không gian ảo, dự án sẽ kiến tạo nên một mạng lưới giữa các nữ lãnh đạo trong cơ sở giáo dục đại học tham gia và trao đổi kiến thức và ý tưởng. Thêm vào đó, các kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực số hóa và toàn cầu hóa sẽ được chia sẻ từ các giáo sư đến từ Vương quốc Anh, các nhà lãnh đạo ASEAN và Việt Nam trong mạng lưới để giúp các nữ lãnh đạo nâng cao năng lực để thích ứng tốt hơn với quá trình số hóa và toàn cầu hóa trong Việt Nam hiện nay.
Tiếp nối chuỗi hoạt động trong khuôn khổ Dự án, tháng 3.2023 tới, một hội thảo quốc tế quy mô lớn sẽ được tổ chức tại Khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý của các cơ sở giáo dục đại học đến từ UK, ASEAN...
P.V