- Năm 2022 đã ghi nhận nhiều thành tựu y tế đáng chú ý trên thế giới nhằm đem đến cho con người những loại thuốc, phương pháp điều trị không thể thực hiện trước đây.
Khỏi HIV nhờ cấy ghép tế bào gốc
Một phụ nữ có HIV đã khỏi hoàn toàn sau khi được cấy ghép tế bào gốc lấy từ máu cuống rốn của người hiến tặng có đột biến gen hiếm gặp có khả năng kháng lại virus. Các bác sỹ cho rằng người được ghép tế bào gốc sẽ phát triển một hệ thống miễn dịch kháng lại virus HIV.
Bà Sharon Lewin, Chủ tịch Hiệp hội phòng chống AIDS quốc tế, cho biết: "Việc cấy ghép tế bào gốc có thể tạo ra các tế bào kháng virus HIV, ngăn chặn virus quay trở lại".
Việc điều trị hết virus HIV nhờ ghép tế bào gốc là một tin tích cực cho nhân loại trong cuộc chiến trường kỳ chống virus HIV.
Cấy tủy sống giúp bệnh nhân bị liệt đi lại
Công nghệ cấy thiết bị điện cực vào tủy sống đã giúp những bệnh nhân bại liệt có thể đi lại.
Ông Michel Roccati, người Italy, gặp một tai nạn nghiêm trọng khiến ông bị liệt hoàn toàn phần thân dưới. Tuy nhiên, giờ đây, ông đã đi bộ được trở lại nhờ phương pháp cấy ghép tủy sống. Một giờ đồng hồ sau khi phẫu thuật, ông Roccati đã có thể thực hiện những bước đi đầu tiên.
Ông Gregoire Courtine, Học viện Công nghệ Lausanne, Thụy Sỹ, nói: "Chúng tôi đã cấy các thiết bị điện cực vào tủy sống để kích hoạt chính xác những cơ chân của những người bị liệt.
(Ảnh: NHR) |
Với công nghệ này, những người bị liệt hoàn toàn vẫn có thể đi lại sau vài tháng phục hồi chức năng thông qua kích thích điện tới tủy sống".
Với việc luyện tập hàng ngày, ông Roccati có thể đứng và đi bộ gần 1 km với sự hỗ trợ của một khung đỡ để giữ thăng bằng. Việc cấy ghép thành công cho ông Roccati mở ra hy vọng cho nhiều người bại liệt có thể vận động trở lại.
Thuốc mới điều trị Alzheimer
Sau hơn 30 năm nghiên cứu về bệnh Alzheimer, các nhà khoa học cuối cùng đã tìm ra một loại thuốc có thể làm chậm quá trình phát triển của bệnh Alzheimer. Hai hãng dược phẩm Eisai (Nhật Bản) và Biogen (Mỹ) đã phối hợp phát triển thuốc điều trị bệnh Alzheimer có tên là Lecanemab. Loại thuốc này có thể giúp làm chậm quá trình suy giảm chức năng và nhận thức ở các bệnh nhân giai đoạn đầu.
Ở những người sử dụng thuốc tiêm Lecanemab, tiến trình thoái hóa não chậm lại tới 27% so với những người dùng giả dược. Điều này mở ra hy vọng cho các bệnh nhân đang tuyệt vọng kiếm tìm liệu pháp hiệu quả.
(tổng hợp)