Nhóm G77: Cần xây dựng một hệ thống kinh tế và tài chính quốc tế công bằng, bình đẳng

0
0

 - Hội nghị Nhóm G77 nhấn mạnh yêu cầu xây dựng một hệ thống kinh tế và tài chính quốc tế công bằng, bình đẳng và bao trùm, tăng cường tiếng nói và sự tham gia của các nước đang phát triển trong các cơ chế quản trị kinh tế toàn cầu.

 

Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Nhóm G77 và Trung Quốc mới đây đã diễn ra tại Trụ sở Liên Hợp Quốc (New York, Hoa Kỳ) theo sáng kiến của Pakistan - nước Chủ tịch G77 năm 2022. Hội nghị có chủ đề “Thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG): Giải quyết thách thức hiện nay và Thích ứng với khủng hoảng trong tương lai”, tập trung thảo luận các biện pháp huy động tài chính, thúc đẩy các hành động khí hậu, tăng cường hợp tác thương mại – đầu tư nhằm thực hiện SDG. Tham dự hội nghị có hơn 300 đại biểu, gồm Bộ trưởng, Thứ trưởng, Đại sứ-Trưởng Phái đoàn đến từ 131 nước thành viên nhóm G77 và đại diện các cơ quan liên quan của Liên hợp quốc. Thừa uỷ quyền của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng và đại diện Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc đã tham dự Hội nghị.

Hội nghị đặc biệt lần này được tổ chức trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị quốc tế đang diễn ra nhiều thay đổi nhanh chóng, sâu sắc. Các nước đánh giá thế giới đứng trước nhiều thách thức, đã và đang tác động đa chiều đến các nước đang phát triển là thành viên của G77, nhất là dịch Covid-19 kéo dài, nguy cơ suy thoái kinh tế, bất ổn tài chính-tiền tệ, lạm phát, nợ công, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực – năng lượng và gia tăng căng thẳng địa chính trị. Hội nghị đã thông qua Văn kiện kết quả nhấn mạnh yêu cầu các bên liên quan cần hành động ngay để đạt được các SDG theo phương châm không bỏ ai lại phía sau.

Các ý kiến phát biểu cho rằng việc triển khai các biện pháp đồng bộ để hỗ trợ các nước đang phát triển vượt qua các nguy cơ ngắn hạn về lương thực, năng lượng, tài chính là rất cấp bách, nhất là hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, vốn ODA, tái cơ cấu nợ, phân bổ lại quyền rút vốn đặc biệt SDR... Trong dài hạn, Hội nghị nhấn mạnh yêu cầu xây dựng một hệ thống kinh tế và tài chính quốc tế công bằng, bình đẳng và bao trùm, tăng cường tiếng nói và sự tham gia của các nước đang phát triển trong các cơ chế quản trị kinh tế toàn cầu. Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi xanh, bền vững đi đôi với thích ứng biến đổi khí hậu, kêu gọi các nước phát triển thực hiện đầy đủ cam kết cung cấp tài chính ưu đãi 100 tỷ USD/năm. Xây dựng các khuôn khổ hợp tác quốc tế về công nghệ, cụ thể như thiết lập Hiệp ước Số toàn cầu gắn với yêu cầu thực hiện các SDG.

Phát biểu tại Hội nghị, Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Hằng cho rằng các nước thành viên G77 cần chung tay nỗ lực vượt qua thời điểm khó khăn, thách thức hiện nay, thúc đẩy phục hồi kinh tế- xã hội hậu dịch Covid-19 và phát triển bền vững trên tinh thần đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết và hợp tác quốc tế. Trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh vai trò động lực của thương mại và đầu tư trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững và bao trùm, hiện thực hoá các SDG, theo đó cần đẩy nhanh cải cách WTO, thúc đẩy mở cửa thị trường, hạn chế tối đa các rào cản thương mại không cần thiết. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò then chốt cho phát triển bền vững, bao trùm, lấy con người làm trung tâm. Do vậy, cần đẩy mạnh hợp tác về khoa học, chuyển giao công nghệ, cung cấp nguồn tài chính ưu đãi cho phát triển đi đôi với đổi mới các biện pháp huy động tài chính thông qua hợp tác công – tư, xây dựng các mô hình tài chính hỗn hợp.

Việc tổ chức tiếp nối hai Hội nghị Bộ trưởng của Nhóm G77 và Trung Quốc trong năm 2022 đã cho thấy yêu cầu cấp bách trong tăng cường phối hợp chính sách, định hình ưu tiên và đẩy nhanh các hành động nhằm vượt qua khó khăn, duy trì tăng trưởng kinh tế và thực hiện các SDG. Hội nghị thống nhất cần bảo đảm việc xử lý thách thức trong ngắn hạn, đồng thời không làm chệch hướng các mục tiêu phát triển dài hạn. Các kết quả của Hội nghị là bước chuẩn bị quan trọng cho các hội nghị năm 2023-2034 trong khuôn khổ Liên hợp quốc như: Hội nghị Bộ trưởng Nam – Nam vào tháng 3/2023, Hội nghị Thượng đỉnh SDG 2023, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai 2024…

Với tư cách là thành viên sáng lập của G77, trong thời gian qua, Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực vào các hoạt động của Nhóm, góp phần bảo đảm lợi ích chung của các nước đang phát triển, thúc đẩy hợp tác Nam – Nam, đồng thời bảo đảm các ưu tiên, lợi ích phát triển của Việt Nam trên tinh thần chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Trưởng đoàn Việt Nam đã chào Bộ trưởng Ngoại giao Cuba và có các cuộc trao đổi với nhiều Trưởng đoàn các nước, trong đó có Thứ trưởng Ngoại giao Azerbaijan, Trưởng Phái đoàn Colombia, Pakistan tại Liên hợp quốc... Các nước đánh giá cao kết quả phục hồi kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2022, cũng như các đóng góp của Việt Nam trong các cơ chế đa phương, nhất là Liên hợp quốc. Với Cuba, trên nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt, hai bên khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong các khuôn khổ đa phương; khẳng định ủng hộ Cuba đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch G77 năm 2023. Với Colombia, hai bên nhấn mạnh tăng cường hợp tác trong các khuôn khổ Nam – Nam và ba bên, trong đó có G77, UNCTAD…, đồng thời phối hợp chặt chẽ chuẩn bị cho Hội nghị Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác tăng trưởng xanh toàn cầu P4G do Colombia đăng cai trong năm 2023. Thứ trưởng Ngoại giao Azerbaijan mong muốn Việt Nam phối hợp chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Phong trào không liên kết về phục hồi toàn cầu sau đại dịch Covid-19 tại Baku, Azerbaijan (tháng 3/2023)./.

 

Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Những giọt nước mắt rơi khi xem Lễ truy điệu Tổng Bí thư tại Hội trường Thống Nhất

Trưa 26/7, tại Hội trường Thống Nhất, nhiều người dân sau khi đến viếng tại Hội trường Thống Nhất đã ở lại và xem trực tiếp Lễ truy điệu qua màn hình ti vi. Nhiều người dân đã không cầm được nước mắt trước những thông tin về Tổng Bí thư được cầu truyền hình trực tiếp từ Hà Nội.

Hình ảnh ngày thứ 2 Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

 Sáng 26/7, Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu từ 7 giờ đến 13 giờ tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội; Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà Đông Anh.

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà Đông Anh, Hà Nội

(VnMedia) - Ngày 25/7, tại Nhà Văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam, các ban, ngành, đoàn thể huyện Đông Anh tổ chức trọng thể Lễ viếng theo nghi thức Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.