- Ngày 19/12, Viện Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQGHN (IFI) phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại quốc tế Việt Nam (VITIP) tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác và giới thiệu chương trình đào tạo quốc tế về Ngân hàng bán lẻ.
![]() |
Ngân hàng bán lẻ dành cho thị trường đại chúng là một lĩnh vực ngân hàng tương đối hiện đại trên thế giới, ra đời từ những năm 1960 khi máy ATM và thẻ tín dụng xuất hiện. . Chương trình đào tạo quốc tế về Ngân hàng Bán lẻ (CIRB.UK) với mục tiêu lấy khách hàng làm trung tâm là chương trình hợp tác đào tạo giữa Viện Quốc tế Pháp ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (IFI) và Viện đào tạo quốc tế về Ngân hàng bán lẻ - RBI (Anh) có trụ sở tại London, Anh.
RBI là một tổ chức giáo dục và nghiên cứu chuyên nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ của Vương quốc Anh, được Bộ Quy hoạch Cải cách Doanh nhân, Doanh nghiệp cấp phép. RBI hiện đang triển khai đào tạo và cấp chứng chỉ về ngân hàng bán lẻ và hoạt động thanh toán. RBI có mạng lưới hợp tác chặt chẽ với nhiều đối tác trong việc phát triển và cung cấp các chương trình đào tạo chuyên nghiệp về ngân hàng bán lẻ trên toàn thế giới.
Hiện RBI đang triển khai ký kết hợp tác với các đối tác tại Ấn Độ, Đông Nam Á, Kuwait và Úc. Tại châu Âu, RBI đang là nhà đào tạo và tư vấn hàng đầu cho các tổ chức như Hiệp hội Ngân hàng, các Học viện Ngân hàng, các Trường Đại học, các tổ chức Tư vấn ngân hàng bán lẻ…
Chương trình CIRB.UK là chương trình nền tảng của của RBI trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ với ba cấp độ từ sơ cấp đến nâng cao (Sơ cấp Ngân hàng Bán lẻ quốc tế; Trung cấp Ngân hàng bán lẻ quốc tế; Cao cấp Ngân hàng bán lẻ quốc tế). Nội dung chương trình tương thích với nhu cầu công việc hiện tại với sự thay đổi nhanh chóng của chuyển đổi số, cũng như nâng cao kiến thức, nghiệp vụ cho các cán bộ ngân hàng hiện tại, tương lai và các cá nhân đang và sắp trở thành quản lý cấp cao, cán bộ điều hành trong các ngân hàng hoặc các doanh nghiệp, tổ chức có các nghiệp vụ liên quan. Chương trình giới thiệu toàn diện về ngân hàng bán lẻ và đề cập đến những cơ hội và thách thức lớn mà ngành công nghiệp quan trọng này phải đối mặt, bao gồm chuyển đổi số, cạnh tranh và các quan hệ hợp tác với Fintech và BigTech, cuộc khủng hoảng toàn cầu do biến đổi khí hậu và vai trò của ngân hàng trong việc giải quyết vấn đề này.
Tài chính, ngân hàng hiện là một trong những lĩnh vực được đánh giá ở mức cao về ứng dụng công nghệ thông tin và chịu nhiều tác động của làn sóng công nghiệp 4.0. Ngành Ngân hàng Việt Nam đã có nhiều biến chuyển trong cấu trúc tổ chức, phương thức hoạt động, quản trị rủi ro, cung ứng dịch vụ nhằm thích ứng với thời đại kỷ nguyên số.
M.N