- Chiều 12/12, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã tới thăm và làm việc với Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Thành phồ Hồ Chí Minh (TP HCM).
Là một trường sư phạm đặc thù có quy mô nhỏ, với số lượng tuyển sinh mỗi năm khoảng 300 sinh viên đại học chính quy và một số lượng tương tự bao gồm cả hệ đại học vừa học vừa làm, đại học liên thông vừa học vừa làm, cao đẳng chính quy, cao học, nghiên cứu sinh.
Do điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, quy mô đào tạo và nghiên cứu khoa học nhỏ bé, nên thách thức đặt ra đối với Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TPHCM trong quá trình phát triển là không nhỏ. Nhà trường cần một định hướng lâu dài, khả thi để phát triển.
Trao đổi tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ sự quan tâm tới hệ thống đào tạo sư phạm. Trước đó, ngày 10/12, Bộ trưởng đã tới thăm và làm việc với Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương và dự kiến sẽ có các cuộc làm việc tiếp theo với các trường đào tạo sư phạm theo định hướng tập trung quan tâm chỉ đạo nhằm đổi mới và phát triển hệ thống các trường sư phạm.
Chia sẻ với đội ngũ cán bộ lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TPHCM, Bộ trưởng cho rằng, trong xu hướng đổi mới giáo dục và đào tạo, giáo dục toàn diện lấy con người làm trung tâm của sự ưu tiên thì giáo dục thể chất và khoa học phát triển thể chất ngày càng có vai trò quan trọng. Đặc biệt, khi điều kiện, mức sống của người dân ngày càng tăng thì sự quan tâm, chăm lo, đầu tư cho phát triển thể chất, rèn luyện thể thao sẽ càng lớn. Do đó, câu chuyện phát triển của Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TP HCM phải được tính trong cả trong hiện tại và tương lai.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nghe Hiệu trưởng nhà trường giới thiệu mô hình cơ sở mới của Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TP HCM |
Với cơ hội đang rộng mở, khi mộn học giáo dục thể chất ngày càng có giá trị và được coi trọng, Bộ trưởng đề nghị, Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TP HCM nhận thức được đầy đủ cơ hội trong định hướng phát triển của trường, nắm bắt nhu cầu xã hội để thoát ra khỏi tầm nhìn về một môn học phụ.
Trường cần tư duy phát triển rộng lớn và tiến bộ hơn theo thông lệ và tư duy khoa học phát triển thể chất tiên tiến trên thế giới; rà soát, cơ cấu lại hệ thống ngành nghề, xây dựng hệ thống đào tạo cử nhân đáp ứng yêu cầu xã hội. Với tính liên ngành rất cao của hoạt động giáo dục thể chất, trường có thể tính đến đào tạo liên ngành với các ngành như y học, sinh học, dinh dưỡng, tâm lý, công nghệ… Cùng với đó lên kế hoạch nhân lực, cơ sở vật chất, các điều kiện và rà soát chiến lược phát triển trong giai đoạn mới.
Cùng với việc đào tạo, trường cần tham gia tư vấn cho Bộ GDĐT trong việc đổi mới dạy học môn giáo dục thể chất từ bậc mầm non đến đại học, ở thời điểm hiện nay môn học này vẫn chưa thực sự hấp dẫn người học. Một số việc cụ thể có thể tư vấn như: Cá biệt hóa việc huấn luyện cho học sinh; đa dạng hóa môn học để học sinh, sinh viên yêu thích; đo lường, đánh giá, kiểm tra; đổi mới khoa học giáo dục với môn này…
Một định hướng nữa cũng được Bộ trưởng đề cập và đề nghị Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TP HCM chú ý, đó là tham gia vào việc phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh thông qua tư vấn việc dạy bơi cho trẻ em, học sinh ở các vùng miền khác nhau, điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau. Vấn đề đuối nước hiện nhức nhối nhưng không phải ở đâu cũng có điều kiện giống nhau để tổ chức được việc dạy và học bơi cho trẻ em, học sinh.
Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TP HCM đang có ý tưởng về việc thành lập một trường phổ thông, Bộ trưởng gợi mở, nếu mở trường phổ thông thì đó phải là một trường phổ thông năng khiếu thể dục, thể thao để bồi dưỡng, đào tạo tài năng từ nhỏ. Tuy nhiên, với điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn như hiện nay, ý tưởng về trường phổ thông, theo Bộ trưởng, cần phải rất thận trọng và chỉ làm khi có đủ các điều kiện tương xứng.
Hiện nay, cơ sở mới của Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TP HCM đang được đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập tốt hơn. Bộ trưởng chỉ đạo nhà trường cần coi việc hoàn thành xây dựng và chuyển sang cơ sở mới là một nhiệm vụ chính trị, phải được thực hiện trong thời gian nhanh và sớm nhất. Bộ trưởng cũng giao các đơn vị liên quan của Bộ GDĐT phối hợp, hỗ trợ nhà trường trong quá trình hoàn thiện dự án này.
P.V