- Cổng Thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng vừa chính thức công bố 10 sự kiện nổi bật của thành phố Đà Nẵng trong năm 2022, trong đó ghi nhận nhiều kết quả ấn tượng.
1. Kinh tế thành phố từng bước phục hồi
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cả năm 2022 tăng 14,05%, Đà Nẵng xếp thứ ba cả nước về tốc độ tăng GRDP và là một trong số các địa phương có mức độ phục hồi kinh tế khá nhanh, quy mô nền kinh tế thành phố năm 2022 ước đạt hơn 125.219 tỷ đồng.
Năm qua, Đà Nẵng được xếp hạng cao nhất theo đánh giá của Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam (VTCI); đứng thứ 3 trong Top 10 thành phố du lịch hàng đầu Đông Nam Á - Giải thưởng du lịch Châu Á 2022 và giải thưởng “Điểm đến sự kiện, lễ hội hàng đầu châu Á” năm 2022.
Tổng doanh thu toàn ngành thông tin truyền thông năm 2022 đạt 16.303 tỷ đồng; trong đó, kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước đạt 132 triệu USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ.
Về thu ngân sách, ước năm 2022, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn là 23.578 tỷ đồng, đạt 120,1% dự toán. Tổng chi ngân sách địa phương là 15.595 tỷ đồng, bằng 95,4% dự toán HĐND giao.
Trung ương đã thống nhất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố giai đoạn 2023-2025 lên 83%. Với tỷ lệ này, bình quân dự kiến ngân sách thành phố sẽ có thêm khoảng 3.000 tỷ đồng/năm, ước tính khoảng 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2023-2025 cho công tác đầu tư phát triển và an sinh xã hội.
Du lịch Đà Nẵng phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 - ảnh: TTXVN |
2. Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, triển khai lấy ý kiến cộng đồng về nhiệm vụ quy hoạch, đồ án quy hoạch các phân khu tỷ lệ 1/2000
Hơn 01 năm thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền... nhằm đảm bảo phát huy dân chủ ở cơ sở và tạo điều kiện cho chính quyền các cấp chủ động, linh hoạt trong quản lý, điều hành.
Kết quả, về phân cấp đã hoàn thành 16/18 nội dung đối với 05 lĩnh vực trọng tâm; về ủy quyền, UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành các quyết định ủy quyền đối với 72/73 lĩnh vực.
Đà Nẵng là địa phương được Bộ Nội vụ đánh giá cao về công tác cải cách hành chính. Chỉ số cải cách hành chính PAR Index 2021 của thành phố Đà Nẵng đạt 90.25 điểm, thuộc nhóm A, xếp vị thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Đây là sự trở lại ấn tượng của thành phố Đà Nẵng sau 2 năm vắng bóng ở nhóm những địa phương dẫn đầu.
3. Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư, tổ chức thành công “Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022”
Năm qua, 27 dự án với tổng vốn đầu tư đề xuất hơn 5,6 tỷ USD được UBND thành phố trao Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư/Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Chủ trương nghiên cứu đầu tư, Thông báo về việc nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư, đóng góp ý tưởng quy hoạch, Bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư.
Tính đến ngày 15/11/2022, thành phố đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 29 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 10.058,93 tỷ đồng. Cấp mới 42 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 69,4 triệu USD, đạt 46,39% so với cùng kỳ năm 2021; cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 4.169 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký 21.049,5 tỷ đồng; tăng 29,5% về số doanh nghiệp và tăng 37,5% về số vốn so với cùng kỳ; có 2.146 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
4. Khởi công Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung
Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung được UBND thành phố tổ chức khởi công vào giữa tháng 12/2022. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.426 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trung ương giai đoạn 2021-2025 là 2.994,59 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách thành phố.
Dự án gồm đê và kè chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối khả năng đáp ứng cho các tàu tổng hợp, hàng rời trước mặt trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chứa 6.000-8.000 TEU.
Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung nhằm hướng tới mục tiêu nâng cấp cảng biển Liên Chiểu đáp ứng thông quan lượng hàng đến 5,0 triệu tấn/năm giai đoạn đầu và phát triển các bến giai đoạn tiếp theo để giảm tải cho khu bến Tiên Sa và Sơn Trà, giảm áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô thành phố Đà Nẵng; tăng cường kết nối vùng và liên vùng, phát triển bền vững kinh tế - xã hội..
5. Khánh thành, đưa vào sử dụng các công trình giao thông, di tích văn hóa, lịch sử
Trong năm 2022, nhiều công trình, di tích văn hóa, lịch sử đã được khánh thành, đưa vào sử dụng: Di tích chiến thắng Đồn Nhất - Hải Vân Quan (quận Liên Chiểu); Di tích Chiến thắng Đồn Lệ Sơn (huyện Hòa Vang); Công viên Văn hóa Khu chiến tích Gò Hà (huyện Hòa Vang); Công viên bên ngoài Nghĩa trủng Hòa Vang (quận Cẩm Lệ).
Cùng với đó, công trình Vườn tượng APEC mở rộng và công trình cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý được khánh thành và đưa vào sử dụng, đánh dấu sự trở lại của các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn thành phố; tạo sức bật mới, động lực để thành phố thúc đẩy, phục hồi tăng trưởng kinh tế, trong đó có việc kích hoạt lại các dự án phát triển hạ tầng đô thị, các dự án về kinh tế, xã hội, sự phục hồi của du lịch.
6. Hỗ trợ 100% học phí các trường mầm non và phổ thông cả công lập và ngoài công lập
HĐND thành phố đã thông qua nghị quyết trẻ mầm non, học sinh các trường phổ thông công lập, trẻ mầm non, học sinh các trường phổ thông ngoài công lập được hỗ trợ 100% học phí theo mức thu học phí công lập năm học 2022-2023.
Thành phố cũng hỗ trợ gần 4,7 tỷ đồng mua sách giáo khoa cho 8.438 học sinh con hộ nghèo, học sinh mồ côi do COVID-19 và 4.400 học sinh con hộ cận nghèo đang học tại các trường phổ thông công lập và ngoài công lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên trong năm học 2022-2023;
Ban hành chính sách hỗ trợ hỗ trợ cán bộ y tế tại các cơ quan, đơn vị y tế công lập thuộc thành phố: dành gần 27 tỷ đồng thực hiện chính sách thu hút bác sĩ cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn giai đoạn 2023-2025; dành gần 70 tỷ đồng hỗ trợ cán bộ y tế tại các cơ quan, đơn vị y tế công lập trên địa bàn;...
Hoàn tất việc thu hồi khu “đất vàng” rộng hàng chục ngàn m2 của Công ty CP Nhựa Đà Nẵng (quận Thanh Khê) để xây dựng Trường Mầm non Hải Đường và Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm; Thành phố đã triển khai hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với hơn 436 tỷ đồng; tập trung thực hiện các chính sách giảm nghèo bằng nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Ban hành Chương trình “Không có hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025”; chỉ đạo sửa đổi, bổ sung mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và mở rộng đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố.
Đến cuối năm 2022, số hộ nghèo còn sức lao động (chuẩn mới đa chiều) còn lại 6.438 hộ, tỷ lệ 2,14%/tổng số hộ dân. Đồng thời, hoàn thành Kế hoạch hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở cho người có công với cách mạng năm 2022 với tổng kinh phí là 26,85 tỷ đồng.
7. Ma Nhai Ngũ Hành Sơn được UNESCO công nhận di sản tư liệu thế giới
Ngày 26/11/2022, Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO (MOWCAP) đã thông qua hồ sơ “Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng” là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
8. Hai năm liên tiếp dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; lần thứ 3 liên tiếp nhận Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam
Theo Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số - DTI 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2021, Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Đây là năm thứ hai liên tiếp Đà Nẵng xếp hạng Nhất. Giá trị DTI Đà Nẵng năm 2021 đạt 0,6419, tăng 0,1545 so với năm 2020.
Đặc biệt, năm 2021, điểm số Đà Nẵng tăng 31,7% so với năm 2020 và sau 1 năm triển khai nghị quyết về chuyển đổi số, Đà Nẵng đạt điểm khá (gần 65%) so với Bộ chỉ số DTI (dùng cho nhiều năm sau).
Đà Nẵng cũng là một trong số ít các địa phương đã triển khai nhiều nền tảng số để phục vụ quản lý nhà nước, phát triển Chính quyền số, Kinh tế số; Xã hội số trên địa bàn.
Đầu tháng 4-2022, Đà Nẵng đã ra mắt mô hình chợ 4.0. Đây là trong những hoạt động nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng tại các chợ.
Đà Nẵng cũng tiếp tục được được trao giải thưởng Thành phố thông minh xuất sắc Việt Nam 2022. Đây là lần thứ 3 liên tiếp Đà Nẵng vinh dự được trao giải thưởng này.
Ngoài ra, Đà Nẵng còn đạt giải thưởng chuyên đề ở các lĩnh vực: Thành phố giao thông và logistics thông minh; Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Các lĩnh vực ứng dụng thành phố thông minh đã và đang triển khai thực tế đem lại hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp và cộng đồng, xã hội.
9. Tập trung nguồn lực khắc phục thiệt hại nặng nề do thiên tai
Từ ngày 13/10 đến sáng 15/10, ảnh hưởng của bão số 5 (bão SONCA) đã gây mưa lớn diện rộng, nhiều nơi lượng mưa cao lịch sử, cộng thêm triều cường, dẫn đến ngập lụt lớn đã gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, tài sản của người dân và cơ sở hạ tầng trên phạm vi toàn thành phố, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất. 52/56 xã, phường thuộc 07 quận, huyện và hầu hết các tuyến đường đều bị ngập, nhiều nơi ngập từ 0,5-1,0 m, thậm chí có nơi ngập đến 2,0 m.
Ngay sau khi mưa tạnh, nước rút, lãnh đạo thành phố và các quận, huyện đã chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại do thiên tai; vận động các hộ gia đình, cá nhân, các tổ chức trên địa bàn tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường sau bão, lũ; chủ động tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người thân bị nạn; quan tâm hỗ trợ các gia đình khó khăn; chủ động hỗ trợ, tuyệt đối không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm.
Đặc biệt, các cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 315 (Quân khu 5) và Bộ Chỉ huy quân sự thành phố đã nhanh chóng triển khai lực lượng, chung tay cùng chính quyền thành phố nỗ lực khắc phục thiệt hại tại Nghĩa trang, giúp người dân tìm kiếm mồ mả người dân bị vùi lấp.
Lực lượng cứu hộ giúp dân trong mưa lũ tại Đà Nẵng |
10. Thể thao thành tích cao Đà Nẵng đạt nhiều thành tích ấn tượng tại SEAGAMES 31
Đóng góp chung vào thành tích của đoàn thể thao Việt Nam tại Seagames 31, lực lượng huấn luyện viên, vận động viên của Đà Nẵng gặt hái được những kết quả tốt nhất từ trước đến nay với 14 huy chương vàng, 9 huy chương bạc, 8 huy chương đồng; phá 3 kỷ lục của SEA Games.
Đặc biệt, phần lớn các thành tích đạt được đều ở các bộ môn trọng điểm thuộc hệ thống thi đấu Olympic, góp phần quảng bá hình ảnh và thương hiệu Đà Nẵng trên đấu trường thể thao trong nước và quốc tế. Đồng thời, khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo định hướng, đầu tư bài bản của thành phố về chiến lược phát triển thể thao thành tích cao trong nhiều năm qua.