Tranh luận việc "loại" thẩm quyền của UBND trong giải quyết tranh chấp đất đai

0
0

 - Liên quan đến đề xuất sửa đổi thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai quy định tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), hiện vẫn còn các ý kiến khác nhau giữa các đại biểu quốc hội.

"Loại" UBND là hạn chế quyền của đương sự

Phát biểu xây dựng Luật Đất đai, ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho biết, khoản 1 Điều 235 của dự thảo luật quy định "tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do TAND giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự".

Theo quy định của luật hiện hành, các tranh chấp đất đai mà đương sự có giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do TAND giải quyết. Loại tranh chấp không có giấy chứng nhận và giấy tờ thì đương sự lựa chọn giải quyết tại UBND cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại TAND.

ĐB Phương Hoa nhất trí với quan điểm của Thường trực Ủy ban Tư pháp trong báo cáo tham gia thẩm tra cho rằng, đây là sự thay đổi rất lớn về chính sách giải quyết tranh chấp đất đai nên cần cân nhắc thận trọng và cần tổng kết kỹ, lấy ý kiến của các đối tượng có liên quan và lấy ý kiến của TAND tối cao.

“Quy định như dự thảo luật đã hạn chế quyền của đương sự trong việc lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp đất đai, đồng thời quy định này sẽ không bảo đảm tính khả thi và không phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta, nhất là đối với ngành TAND. Trong năm 2022, TAND các cấp đã thụ lý khoảng hơn 500.000 vụ việc và khoảng hơn 11.000 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, với số lượng biên chế toàn ngành cũng rất hạn chế, nếu bổ sung thêm số lượng lớn tranh chấp đất đai đang thuộc thẩm quyền của UBND giải quyết chuyển sang hệ thống TAND thì sẽ có nguy cơ quá tải.” – ĐB tỉnh Nam Định nêu ý kiến

Thảo luận về dự án luật, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đề nghị “hết sức cân nhắc” với việc Dự thảo luật sửa đổi theo hướng thay vì quy định ngoài TAND thì có Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai bằng việc bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch UBND.

ĐB tỉnh Bắc Kạn đưa ra 5 lý do để giải thích cho ý kiến của mình.

Thứ nhất, theo ĐB, mặc dù trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, song pháp luật nước ta luôn giao cho UBND là một trong những cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Bởi vì đây là cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về đất đai, cho nên việc thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến nguồn gốc đất, liên quan đến quá trình sử dụng đất rất thuận lợi, do các hồ sơ, tài liệu này đều đang được lưu giữ tại cơ quan hành chính.

Thứ hai, đối với loại đất không có một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương thì UBND có điều kiện thuận lợi để nắm được nguồn gốc lịch sử đất đai, nắm được quá trình mâu thuẫn, tranh chấp của các bên, cho nên cũng thuận lợi trong quá trình giải quyết. Hiện nay, pháp luật đang đồng thời giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho tòa án đối với cả loại đất này, tức là đất không có giấy tờ, nhưng sau khi thụ lý hồ sơ thì Tòa án đều phải có văn bản đề nghị UBND cung cấp hồ sơ, tài liệu thì mới có căn cứ giải quyết, cho nên thời gian giải quyết sẽ bị kéo dài hơn.

Thứ ba, ĐB Thủy chỉ rõ: việc sửa đổi luật phải trên cơ sở kết quả tổng kết thực tiễn. Tuy nhiên, báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành luật và các tài liệu trong hồ sơ dự án luật không có thông tin về lý do tại sao lại bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của UBND, cũng như không có bất cứ số liệu nào thống kê về số liệu mà Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết tranh chấp đất từ khi luật có hiệu lực đến nay.

“Sau khi nghiên cứu hồ sơ, tôi đã có văn bản đề nghị Bộ TN&MT cung cấp thông tin. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ chỉ mới thống kê được số lượng vụ việc tranh chấp do Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết là 1.922 vụ, còn toàn bộ số liệu thống kê về số lượng vụ tranh chấp hơn 700 vụ UBND cấp huyện giải quyết chưa có thông tin. Do vậy, căn cứ thực tiễn cho việc đề xuất sửa đổi quy định này vẫn đang còn thiếu, chưa có căn cứ.” – ĐB tỉnh Bắc Kạn nói.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy - tỉnh Bắc Kạn
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy - tỉnh Bắc Kạn

Thứ tư, ĐB Nguyễn Thị Thủy cho rằng, Dự thảo đã sửa theo hướng bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của UBND là đã thu hẹp bớt quyền lựa chọn của người dân, đã bỏ đi một cơ chế giải quyết có tính linh hoạt và có tính ưu việt riêng (không phải nộp phí)

Thứ năm, thực tế giải quyết tranh chấp đất đai hiện nay của người dân cũng đang được giao cho nhiều cơ quan trong hệ thống chính trị cùng vào cuộc và còn rất áp lực. Nếu dự thảo giao hết việc này cho tòa án và bổ sung thêm trọng tài thương mại được giải quyết một số vụ việc phát sinh từ hoạt động thương mại như Điều 235 thì khả năng đảm đương của các cơ quan này như thế nào cũng chưa được báo cáo đánh giá tác động đề cập. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến nhưng cơ quan soạn thảo vẫn giữ quan điểm, không có thêm thông tin giải trình.

“Từ những lý do nêu trên, chúng tôi đề nghị tiếp tục giữ quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch UBND như quy định của pháp luật hiện hành để tạo điều kiện cho người dân có thêm sự lựa chọn về cơ chế giải quyết tranh chấp của mình.” – ĐB tỉnh Bắc Kạn cho hay.

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp phải thuộc về tòa án

Tranh luận về vấn đề này, hai vị ĐB nói trên, ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hoà) cho rằng, đã là giải quyết tranh chấp thì đây là việc của cơ quan, không phải việc của hành chính, thuộc về việc hòa giải, thương lượng của cơ quan xét xử là tòa án Nhà nước hoặc trọng tài.

“Tất cả những nội dung này đã hình thành một nguyên tắc là khi giải quyết tranh chấp, đó là hoạt động tư pháp. Trong báo cáo giải trình của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với ý kiến thảo luận tổ đã ghi rất rõ là vì công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã hoàn thành về cơ bản, cho nên việc giải quyết tranh chấp đất của UBND các cấp số lượng không lớn và không cần thiết.” – Luật sư Lê Xuân Thân nói.

ĐBQH Lê Xuân Thân
ĐBQH Lê Xuân Thân

 Vị ĐB tỉnh Khánh Hòa “tán thành rất cao việc bỏ hẳn về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của UBND đối với tranh chấp quyền sử dụng đất và tất cả tập trung vào các cơ quan, trong đó có cơ quan tòa án.”

Theo vị đại biểu này, Điều 102 của Hiến pháp năm 2013 quy định "tòa án là cơ quan xét xử", có nghĩa là tất cả mọi tranh chấp đều phải qua xét xử theo quy định của pháp luật và các cơ quan khác không giao chức năng, nhiệm vụ này, kể cả UBND, vì vậy cho nên việc bỏ hẳn thẩm quyền này của UBND là phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

“Tôi thấy đây là một hướng đi đúng, quan điểm đúng và để thực hiện nghiêm túc tinh thần của Hiến pháp năm 2013.” – ĐB Lê Xuân Thân nhấn mạnh.

Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc


Trực tiếp Bán kết FA Cup: Đại chiến Man City - Chelsea trên MyTV

(VnMedia) - Chính thức bị loại khỏi Champions League, Man City sẽ phải tập trung vào cuộc so tài rất được chờ đợi trước Chelsea tại Bán kết cúp FA. Trận cầu hấp dẫn giữa 2 đối thủ nhiều duyên nợ  sẽ được truyền hình MyTV trực tiếp gửi tới khán giả cuối tuần này.

Những gói cước 4G VinaPhone trả trước hấp dẫn không nên bỏ lỡ

(VnMedia) - Với gói cước 4G của VinaPhone, bạn sẽ thỏa sức lướt web, gọi điện nội mạng và ngoại mạng mà không lo về giá cả. Đặc biệt, chi phí rất hợp lý và phù hợp với mọi đối tượng.

Giá vàng lại đảo chiều tăng cao 

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (19/4) tại thị trường New York, giá vàng giao ngay đã bật tăng hơn 12 USD/ounce sau phiên giảm sâu trước đó. Trong nước, giá vàng nhẫn tròn trơn vẫn đang duy trì ở dưới mức 77 triệu đồng/lượng.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, hạn chế tiếp xúc giữa người dân, doanh nghiệp với hải quan

(VnMedia) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký văn bản yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan.

U23 Việt Nam khởi đầu thuận lợi tại giải châu Á 2024

(VnMedia) - Cú đúp của Vĩ Hào và pha lập công của Văn Tùng đã giúp U23 Việt Nam đánh bại U23 Kuwait với tỷ số 3-1 ở trận ra quân tại bảng D, giải U23 châu Á 2024.