- Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân, việc trao cho Tổng Thanh tra Chính phủ ở cấp trung ương và ở địa phương là thủ trưởng cơ quan thanh tra được quyền quyết định đoàn thanh tra và tự mình ký kết luận thanh tra là “không khách quan.”
Tại phiên chất vấn với Tổng Thanh tra Chính phủ, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị được Tổng Thanh tra Chính phủ giải trình về thực hiện việc phân cấp, phân quyền theo Nghị định 123 của Chính phủ trong nội bộ cơ quan Thanh tra Chính phủ cũng như kết quả cụ thể.
Trả lời câu hỏi của ĐB Lê Thanh Vân, Tổng Thanh tra Chính phủ - ông Đoàn Hồng Phong cho biết: “Thanh tra Chính phủ đang thực hiện phân cấp, phân quyền theo Luật Công chức, Luật Viên chức và thực hiện phân cấp thẩm quyền theo Nghị định 123, Nghị định 101, Nghị định 50, Nghị định 120 của Chính phủ trên một số lĩnh vực…”.
Tiếp tục tranh luận về vấn đề này, ĐB Lê Thanh Vân nêu rõ, theo ông, nguyên nhân khiến cho các kết luận thanh tra chậm trễ, thậm chí là quá hạn là do phân công quyền lực trong hoạt động thanh tra chưa khoa học.
“Thứ nhất, về nguyên lý mà nói, quyền lực càng tập trung thì có nguy cơ càng tha hóa. Ở đây, chúng ta lại trao cho Tổng Thanh tra Chính phủ ở cấp trung ương, ở địa phương là thủ trưởng cơ quan thanh tra được quyền quyết định đoàn thanh tra và tự mình ký kết luận thanh tra. Như thế không khách quan" - ĐB Lê Thanh Vân nói.
ĐB cũng phân tích: "Đoàn thanh tra làm việc theo chuyên môn và sự phân công nhưng người đứng đầu cơ quan thanh tra hoặc cấp phó người đứng đầu cơ quan thanh tra có thể là một nhân vật chính trị hoặc do công tác cán bộ điều động đến, chưa chắc đã có nghiệp vụ sâu về thanh tra chuyên ngành, cho nên không thể nắm chắc được nội dung. Chính vì vậy, trên thực tế đã có những vụ thanh tra không kết luận được. Ví dụ, vụ thanh tra đất đai ở Nghệ An từ năm 2017 đến nay chưa ký kết luận thanh tra được, bây giờ đã quá hạn, nếu có ký không còn ý nghĩa nữa."
ĐB Lê Thanh Vân cho rằng, phải phân công lại theo hướng thủ trưởng cơ quan thanh tra ra quyết định thanh tra thì chỉ sử dụng quyền thủ trưởng của mình để kiểm soát, đôn đốc làm đúng pháp luật, còn đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm, trưởng đoàn thanh tra phải ký kết luận thanh tra, chịu trách nhiệm trước thủ trưởng cơ quan thanh tra và trước pháp luật.
ĐBQH Lê Thanh Vân |
Trao đổi lại với ĐB Lê Thanh Vân, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho rằng, hoạt động thanh tra thực hiện bởi cơ quan thanh tra trong hệ thống hành chính nhà nước, thực hiện theo thủ tục hành chính, trên nguyên tắc của chế độ thủ trưởng, thủ trưởng cơ quan thanh tra phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của cơ quan mình. Vì vậy, thủ trưởng cơ quan thanh tra quyết định thanh tra phải là người ký kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận của mình.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, Luật quy định người quyết định thanh tra, chỉ đạo cuộc thanh tra phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra có nhiều quyền hạn trực tiếp trong quá trình tiến hành thanh tra, giám sát hoạt động thanh tra và giải quyết kịp thời các kiến nghị của đoàn thanh tra cũng như việc thẩm định kết luận thanh tra. Do vậy, người quyết định thanh tra có đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn để bảo đảm tính chính xác, khách quan của kết luận thanh tra và tính khả thi của thanh tra.
“Theo luật quy định thì thanh tra đang thực hiện đúng các quy định của luật pháp, còn đề nghị của đại biểu Lê Thanh Vân thì Thanh tra Chính phủ trong dự thảo luật vừa qua, lúc đầu Thanh tra Chính phủ được Chính phủ giao xây dựng theo hướng Thanh tra Chính chủ là một cơ quan độc lập, tương đồng như cơ quan của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án, Kiểm toán, nhưng hội đồng thẩm định dự án luật này đã không đồng ý về quan điểm đó nên mong rằng tiếp thu ý kiến này, Thanh tra Chính phủ đã xác định, có thể sau 10 năm nữa tổng kết dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) của lần này có thể vận dụng, áp dụng để thực hiện” - Tổng Thanh tra Chính phủ nói.