- “Phát triển các nghiên cứu và chương trình đào tạo dựa trên ứng dụng của Điện toán đám mây trong xây dựng và môi trường” là chủ đề của hội nghị trong khuôn khổ dự án MONTUS (Master Of New Technologies Using Services: Cloud computing of environmental data) do Khoa Civil Engineering kết hợp với trung tâm FIMO của Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN đăng cai tổ chức từ ngày 7 - 9/11 tại Hà Nội.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn, đại diện Đại sứ quán Pháp, Ủy ban Châu Âu (EC), các đại biểu đến từ Pháp, Bỉ, Ý, Thái Lan, Campuchia và nhiều chuyên gia đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu tham dự hội thảo.
Dự án do Eramus+ và Cộng hòa Pháp tài trợ hỗ trợ đào tạo và nghiên cứu ứng dụng AI, GIS và dữ liệu lớn trong các bài toán kỹ thuật và quản lý đô thị thông minh.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN, Chủ nhiệm Khoa Kỹ thuật Xây dựng – Giao thông (Civil Engineering) chia sẻ: MONTUS được khởi xướng bởi GS. Dominique Laffly và điều hành bởi GS. Nathalie Hernadez, là 1 trong 6 dự án của Pháp được Liên minh châu Âu tài trợ trong khuôn khổ chương trình Erasmus+. Dự án nhằm thúc đẩy và phát triển quan hệ đối tác xuyên quốc gia giữa các cơ sở và tổ chức giáo dục thông qua các chương trình hợp tác nghiên cứu và đào tạo tiên tiến.
Chương trình đã và đang tài trợ cho 60 cơ sở giáo dục thành viên thường trực; Ngoài ra, có 3 đối tác liên kết tham gia MONTUS: Cơ quan Pháp ngữ (AUF - Châu Á Thái Bình Dương, Hà Nội), Tổ chức Quan sát Khí tượng Môi trường Trái đất (MEEO - Ý), Viện Nông nghiệp và Môi trường (IAE, Hà Nội) và Tổ chức xã hội điện toán đám mây HUPI (Pháp). MONTUS thực sự là cầu nối thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục ở châu Âu và châu Á, cũng như tinh thần hợp tác và phát triển bền vững giữa các quốc gia châu Âu và châu Á nói chung.
Đặc biệt trong năm nay, Khoa Khoa Kỹ thuật Xây dựng – Giao thông, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN bắt đầu triển khai tuyển sinh và đào tạo trình độ Thạc sĩ và Tiến sĩ. Trong chương trình đào tạo này, có khoảng 10 môn học liên quan đến dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, GIS, phát triển bền vững, đô thị thông minh được phối hợp xây dựng với các GS, các trường ĐH châu âu trong khuôn khổ dự án này.
“Diễn đàn của hợp tác và cùng phát triển”, nơi để các nhà khoa học trao đổi, chia sẻ các kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn về Điện toán đám mây (nền tảng của cách mạng công nghệ 4.0, giao thông và thành phố thông minh) và việc ứng dụng của nó trong công tác nghiên cứu và đào tạo tại các cơ sở giáo dục của Việt Nam và các nước lân cận trong khu vực.
Lãnh đạo Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN mong muốn chương trình Erasmus+ sẽ tiếp tục tài trợ cho những dự án tiếp theo để nối tiếp thành công của MONTUS. Để các giáo sư của Pháp và cộng đồng châu Âu và các chuyên gia giỏi nhất của thế giới có thể đến ĐHQGHN để giảng dạy, đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam và khu vực trong lĩnh vực này.
Tham dự báo cáo cáo phiên toàn thể về công nghệ GIS hiện tại trong phòng chống tai biến thiên nhiên, PGS.TS Lê Hoàng Sơn là một trong 2 nhà khoa học của ĐHQGHN có tầm ảnh hưởng nhất thế giới trong những năm gần đây cho biết: xu hướng phát triển công nghệ và ứng dụng GIS hiện đại, 5 và 10 năm nữa Bản đồ GIS Việt Nam sẽ ra sao, các công nghệ Điện toán biên tích hợp Trí tuệ nhân tạo (Edge AI) ứng dụng trong GIS (GeoAI) sẽ phát triển ra sao khi tích hợp thêm Đồ thị tri thức (Knowledge Graph). Khi đó, các nền tảng phân tích dữ liệu không gian (Geospatial) dựa trên nền tảng Học máy/Học sâu đã được thu gọn (Compressed ML/DL) sẽ trở nên rất phổ biến.
Việc sử dụng các nền tảng Cloud GIS với các concept mới về GaaS, PaaS và IaaS bên cạnh 3 key concept phổ biến là PaaS (Platform-as-a-Serice), IaaS (Infrastructure-as-a-Service), SaaS (Software-as-a-Service) sẽ mở ra khả năng phân tích dữ liệu không gian nhanh và chính xác từ dữ liệu chuyên đề trên nền topography của Hạ tầng dữ liệu không gian số (SDI). ArcGIS Online và Server là ví dụ tiêu biểu.
Ngoài ra, Hội thảo cũng có nhiều tham luận được trình bày xoay quanh chủ đề điện toán đám mây.
P.V