- Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định số 1374 ký ngày 9/11 về việc tặng Bằng khen cho Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT), Bộ Thông tin và Truyền thông vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác chuyển đổi số giáo dục đại học.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dà đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, tháng 9 vừa qua Học viện đã tổ chức kỷ niệm 25 năm thành lập. Trong phát biểu tại lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Học viện, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ rõ: Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số sẽ là hai cuộc chuyển đổi lớn nhất và quan trọng nhất của nhân loại trong thế kỷ này. Nhưng muốn “xanh” thì phải “số”. Bởi vậy mà chuyển đổi số sẽ là động lực chính của sự phát triển. Mọi sự đổi mới của Học viện phải xoay quanh chuyển đổi số. Chỉ có chuyển đổi số đại học mới giải quyết được bài toán nhân lực số Việt Nam. “Học viện hãy đi đầu về chuyển đổi số và trở thành đại học số hàng đầu. Lãnh đạo Bộ đặt niềm tin vào các đồng chí và sẽ đồng hành cùng các đồng chí”, người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông cho biết.
Thời gian qua, trên cơ sở nhận thức rõ tính cấp thiết của công tác chuyển đổi số giáo dục đại học, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã phát triển một hệ sinh thái PTIT Digital University kết nối Nhà trường – Sinh viên – Giảng viên, qua đó giúp chuyển đổi số căn bản và toàn diện cho toàn Học viện, tiến tới nhân rộng ra các trường đại học, học viện trên toàn quốc.
Nền tảng liên thông dữ liệu và các sản phẩm gồm hệ thống tuyển sinh/nhập học số (PTIT Admission), super app đa tác nhân (PTIT Slink) cùng hệ thống quản lý văn bằng chứng chỉ với Blockchain (PTIT Diploma) đã được Học viện tập trung xây dựng. Các sản phẩm đều được xây dựng theo hướng nền tảng và đóng vai trò then chốt trong cả 3 khâu là tuyển sinh đầu vào, hỗ trợ đào tạo và công tác quản lý văn bằng chứng chỉ của Học viện nói riêng và tất cả các trường đại học trên cả nước nói chung khi được triển khai rộng rãi.
Năm 2022, các tân sinh viên của trường đã được trải nghiệm ứng dụng PTIT Slink ngay từ khi đăng ký tuyển sinh, xác nhận nhập học. Giải pháp chuyển đổi số của Học viện đã được hơn 20 trường đại học tham quan, ứng dụng. Nền tảng đăng ký tuyển sinh số kèm đối soát lệ phí của nhà trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo sử dụng trong kỳ thi tuyển sinh quốc gia năm 2022 áp dụng cho 290 trường đại học từ Đà Nẵng trở vào phía Nam.
Cùng với đó, đã có 4 triệu lượt nộp bài truy cập trên hệ thống thực hành lập trình ảo Dlab, Học viện cũng đã xây dựng học liệu số các môn học Chính trị với các chuyên gia hàng đầu và sẽ áp dụng triệt để vào năm 2023.
Đặc biệt, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá là 1 trong 5 trường đại học đi đầu trong lĩnh vực ICT, cùng với các trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Bách khoa Đà Nẵng.
Quá trình chuyển đổi số Học viện vẫn đang tiếp tục diễn ra, và cơ sở giáo dục này đặt mục tiêu trở thành trường đại học số hình mẫu đầu tiên tại Việt Nam, với 3 trụ cột đào tạo số, quản trị số và xã hội số trong trường đại học.
(Tổng hợp)