- Tiếp nối thành công của Diễn đàn Hà Nội lần thứ Nhất về Khoa học giáo dục và Sư phạm (HaFPES 2021), HaFPES 2022 được tổ chức tiếp tục tạo dựng môi trường trao đổi học thuật chuyên sâu, mở ra cơ hội được bàn thảo, chia sẻ về những trường phái, xu hướng và phương pháp nghiên cứu mới. Bên cạnh đó, Trường Đại học Giáo dục (ĐHGD) - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng mong muốn người học, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục và sư phạm có thể xuất bản những công trình nghiên cứu chất lượng quốc tế.
Tại HaFPES 2022, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục GS.TS. Nguyễn Quý Thanh nhấn mạnh: “Con người đang sống trong kỷ nguyên khoa học công nghệ và thông tin, sự nâng cấp và cải tiến diễn ra ở tất cả các ngành, các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, giáo dục con người luôn phải đi đầu và dẫn dắt xu hướng đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao mang tính toàn cầu”. Các chủ đề mà HaFPES 2022 đưa ra đều gắn liền với các xu hướng giáo dục mới, mang tính bàn luận và giải quyết các vấn đề nóng của giáo dục Việt Nam và giáo dục thế giới trong bồi cảnh toàn cầu hoá.
Trường ĐH Giáo dục - ĐHQGHN với sứ mệnh và vị thế của một cơ sở giáo dục tiên phong trong các lĩnh vực mới về khoa học giáo dục và sư phạm đã không ngừng đẩy mạnh các nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục nhằm phát triển lý luận và thực tiễn, xây dựng môi trường học thuật chuyên nghiệp cho giảng viên, các nhà khoa học trẻ và người học.
Trong phiên toàn thể, các diễn giả GS. Aaron Benavot - ĐH Albany - SUNY, TS. Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo - Bộ GD&ĐT và GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã có phần trình bày tổng quan về: Mô hình đào tạo giáo viên: các phương pháp tiếp cận truyền thống, những mối quan tâm nổi bật; thực trạng và chính sách đối với đội ngũ nhà giáo; Nghiên cứu xu hướng giảng dạy và giáo dục của giáo viên Việt Nam.
Sau phiên toàn thể, Diễn đàn được chia thành 5 Tiểu ban tập trung thảo luận và chia sẻ các chủ đề chuyên sâu với 5 chủ đề chính: Nghiên cứu khoa học Quản lý giáo dục và quản trị nhà trường; Chuyển đổi số và công nghệ giáo dục; Quản trị chất lượng, văn hoá chất lượng và những xu thế mới trong đánh giá giáo dục; Nghiên cứu khoa học giáo dục ở Việt Nam: triển vọng và thách thức; Đổi mới giáo dục phổ thông, giáo dục cá nhân hoá và các mô hình đào tạo giáo viên. Các tiểu ban đi sâu vào khai thác và thảo luận các khía cạnh của khoa học giáo dục. Từ các nội dung chuyên sâu được thảo luận, các đại biểu tham dự có thêm cái nhìn tổng quan và toàn diện hơn về khoa học giáo dục và sư phạm.
Diễn đàn có 254 báo cáo tóm tắt được gửi đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm đào tạo, tổ chức giáo dục trong và ngoài nước. Sau khi tiến hành xét duyệt và phản biện đã có 56 bài được lựa chọn đăng trong Kỷ yếu. Các bài báo được xuất bản bằng Tiếng Anh, đáp ứng các tiêu chí của HaFPES 2022.
P.V