Bệnh viện công tự chủ toàn diện gặp… khó khăn toàn diện

0
0

 - Bệnh viện Bạch Mai gặp khó khăn ở cả 4 vấn đề chính của tự chủ toàn diện gồm: Tổ chức bộ máy và nhân sự; đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản; tài chính, tiền lương và giá dịch vụ y tế; thực hiện nhiệm vụ chuyên môn…

Các bệnh viện được giao thí điểm tự chủ toàn diện đều đang gặp khó khăn. Các ý kiến cho rằng, giao cho cơ sở tự chủ toàn diện mà họ chưa đủ điều kiện thì lợi bất cập hại….

Tại buổi tọa đàm “Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, các chuyên gia, nhà quản lý đã phân tích, đánh giá thực trạng việc triển khai tự chủ bệnh viện thời gian qua, từ đó có những đề xuất phù hợp hơn với thực tiễn.

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay Bệnh viện đang gặp khó khăn ở cả 4 vấn đề chính của tự chủ toàn diện gồm: Tổ chức bộ máy và nhân sự; đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản; tài chính, tiền lương và giá dịch vụ y tế; thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Chúng tôi rất buồn khi có người ưu tú chuyên môn nghiệp vụ tốt, tay nghề cao đã rèn luyện ở bệnh viện 5-10 năm được các bệnh viện tư nhân mời sang làm việc. Trong năm 2020-2021, số lượng khoảng 200 cán bộ. Từ tháng 1/2022 đến nay, có 110 cán bộ giỏi, kể cả khối hậu cần, kế toán chuyển đi do chi trả, đãi ngộ không xứng đáng. 

Trong 2 năm thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện (2020, 2021) những khó khăn này không bộc lộ do số lượng bệnh nhân giảm rất nhiều vì dịch và giãn cách xã hội. Tuy nhiên, từ quý II/2022, khi dịch COVID-19 được kiểm soát trên cả nước, số lượng bệnh nhân tăng đột biến dẫn tới tình trạng không đủ máy móc, thiết bị phục vụ khám chữa bệnh.

Trong khi đó, nhiều máy móc thiết bị, đặc biệt là máy phục vụ chẩn đoán điều trị ung bướu và y học hạt nhân như Pet CT, cộng hưởng từ, xạ phẫu, các máy hiện đại phục vụ phẫu thuật như thiết bị vi phẫu, robot... phải lưu kho vì liên quan đến những sai phạm trong vấn đề liên doanh liên kết hoặc hết hợp đồng.

Khó nhất hiện tại là nguồn tài chính chênh lệch thu chi để duy trì hoạt động của Bệnh viện rất thấp do Bệnh viện thí điểm tự chủ toàn diện nhưng toàn bộ giá dịch vụ kỹ thuật y tế Bệnh viện thu đúng bằng giá bảo hiểm y tế - giá này vẫn chưa được tính đúng tính đủ.

"Bệnh viện không ngại làm, không phải không dám làm tự chủ toàn diện mà khó nhất là chưa có văn bản pháp quy rõ ràng nên rất dễ sai phạm. Đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện”, PGS.TS Đào Xuân Cơ cho biết.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

Trong khi đó, GS.TS. Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho rằng, cơ chế tự chủ toàn diện có điểm mạnh là cơ hội giải phóng khỏi cơ chế hoạt động cũ, tự chủ về chuyên môn, tự chủ về tổ chức, tự chủ về tài chính nhưng thực tế những  điều này đang còn vướng.

Các thách thức Bệnh viện phải đối mặt rất nhiều, như không có vốn để đầu tư, giá viện phí chưa được tính đúng tính đủ, bệnh nhân phải chi trả phí điều trị cao hơn cho dịch vụ khám chữa bệnh. Bệnh viện chịu áp lực phải nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và cạnh tranh với các bệnh viện tư nhân để thu hút bệnh nhân.

"Thực tế, dù tự chủ hay không thì bệnh nhân đến Bệnh viện K vẫn đông. Hiện, số bệnh nhân đến khám, điều trị tại BV tăng 30-40% so với trước. Bệnh viện đã quá tải, tuy nhiên nguồn thu giảm 1/3 so với trước”, GS.TS. Lê Văn Quảng chia sẻ.

Giám đốc Bệnh viện K cũng cho biết, Bệnh viện K gặp khó khăn về tài chính do đang xây dựng cơ sở K1, ở giai đoạn xây thô và cần 1.020 tỷ đồng để hoàn thiện. Nếu tự chủ toàn diện, Bệnh viện không lo được nguồn vốn này. “Hiện tại Bệnh viện K vẫn đáp ứng được nhu cầu điều trị, vẫn cố được nhưng cũng không biết cố được đến bao giờ…”, GS.TS. Lê Văn Quảng bộc bạch.

Tôi thấy ai không làm được việc thì tôi phải chuyển chỗ khác. Thậm chí có người phải văng ra ngoài vì tôi tự chủ, tôi cần con người làm được việc cho tôi. Có làm được việc ấy không thì đây chỉ là tiểu tiết nhưng cũng là thách thức. Một số cá nhân không làm được việc, tôi phải giảm lương; đấy cũng là thách thức. Tôi tìm hiểu thấy có 18 thách thức chứ không phải ít.

GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc BV K
GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc BV K

TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đặt câu hỏi: "Tại sao chưa thể tự chủ hoàn toàn? Giao cho cơ sở tự chủ toàn diện mà họ chưa đủ điều kiện thì lợi bất cập hại". Theo ông Lợi, để tự chủ toàn diện, phải bảo đảm các điều kiện về thể chế, tổ chức thực hiện và vấn đề cơ chế giá.

Đối với các BV tuyến cuối như BV Bạch Mai, BV K, chúng ta phải đầu tư để hiện đại hóa công nghệ, để chăm sóc, điều trị những bệnh nặng, đồng thời các BV này cũng phải có nhiệm vụ chuyển giao công nghệ kỹ thuật hiện đại cho tuyến dưới và phải bảo đảm an sinh xã hội. Đó là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước.

GS.TS. Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương, cho rằng chủ trương tự chủ là cần thiết nhưng hoạt động tự chủ theo nhóm nào thì bệnh viện phải đủ điều kiện, tự quyết định và phải tự chịu trách nhiệm trước người bệnh. GS.TS. Nguyễn Anh Trí khuyến nghị chỉ nên tự chủ ở mức chi thường xuyên, chi một phần, không nên tự chủ toàn diện đối với các BV công lập.

TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cũng cho rằng tự chủ là nhu cầu tất yếu của các đơn vị sự nghiệp công lập nhưng tự chủ bệnh viện phải công bằng, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân tốt hơn. Đặc biệt, bệnh viện vẫn phải đảm bảo chính sách an sinh xã hội.

TS. Quang cùng các khác mời tham gia tọa đàm cho rằng đang có vướng mắc về cơ chế, cần tháo gỡ.

“Nếu chúng ta xử lý được tất cả những vấn đề trên thì thể chế là con đường thênh thang rộng mở để cho Giám đốc các bệnh viện có thể thỏa sức sáng tạo trên nền pháp chế đó. Từ đó chúng ta có thể phát triển bệnh viện một cách bền vững và người thụ hưởng chính là người dân. Mà đây cũng chính là chủ trương mà Đảng và Nhà nước ta thực hiện đúng chính sách an sinh xã hội, nhân văn, nhân đạo, nhân bản”, TS. Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh

Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc


Chỉ số ít tổ chức tại Việt Nam sẵn sàng đối phó với rủi ro về an ninh mạng ngày càng gia tăng

(VnMedia) - Chỉ có 6% tổ chức tại Việt Nam đạt được mức độ sẵn sàng ‘trưởng thành’ cần thiết để đối phó với những rủi ro về an ninh mạng ngày nay, theo Chỉ số Sẵn sàng An ninh mạng 2024 của Cisco.

Chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội: Nhiều lợi ích thiết thực cho người dân

(VnMedia) - Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thường xuyên nâng cấp hệ thống, tiện ích để cung ứng các nền tảng thanh toán liên thông, cho phép xử lý tức thời và vận hành 24/7 để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp...

Bài học quan trọng từ vụ hack mật khẩu của Microsoft: Bảo mật mọi tài khoản!

(VnMedia) - Vụ hack vào Microsoft như một lời cảnh tỉnh cho các tổ chức ưu tiên triển khai bảo mật cho mọi tài khoản người dùng, nó cũng chỉ ra sự cần thiết của các biện pháp bảo vệ mật khẩu.

Thủ tướng: Có cơ sở dữ liệu lớn thì mới có trí tuệ nhân tạo

(VnMedia) - Trao đổi, đối thoại với thanh niên về giải pháp thể chế, công nghệ để thực hiện đồng bộ cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Cơ sở dữ liệu rất quan trọng với chuyển đổi số, có cơ sở dữ liệu lớn thì mới có trí tuệ nhân tạo.

Hoàn thiện quy trình chi trả an sinh xã hội trên ứng dụng VNeID

(VnMedia) - Thiếu tá Đào Đình Nam cho biết, để hoàn thiện quy trình chi trả an sinh xã hội trên ứng dụng VNeID, Bộ Công an, C06 cùng với Ngân hàng Nhà nước, Bộ LĐTB&XH, Kho bạc Nhà nước và các đơn vị, địa phương đã hoàn thiện quy trình và xin ý kiến thống nhất…