- Trước tình trạng số ca tử vong do sốt xuất huyết cao trong vòng 10 năm qua, Sở Y tế TP.HCM đã quyết định phân tầng điều trị các bệnh nhân sốt xuất huyết để hạn chế số ca tử vong xuống mức thấp nhất.
Theo ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, tình hình sốt xuất huyết vẫn phức tạp. Trong 10 năm liên tục, chưa có năm nào có 25 ca tử vong như năm nay mặc dù dịch bệnh sốt xuất huyết chưa có dấu hiệu đi xuống, còn nguy cơ tăng nữa.
Từ đầu năm đến nay, TP.HCM ghi nhận 62.085 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 7 lần với cùng kỳ năm 2021, số ca sốt xuất huyết nặng là 1.360 ca. Tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 25 trường hợp, tăng 20 ca so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, hiện nay có khoảng 75% số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết là người lớn. Có những trường hợp đến bệnh viện trễ khiến gia tăng nguy cơ tử vong do không được can thiệp điều trị kịp thời.
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại TP.HCM |
Áp dụng mô hình tháp 3 tầng để điều trị sốt xuất huyết
Để hạn chế số ca tử vong do sốt xuất huyết xuống mức thấp nhất trong thời gian tới, Sở Y tế TP.HCM đã quyết định áp dụng kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 để ứng phó với dịch sốt xuất huyết.
Theo đó, ngày 4/10, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản gửi tới các cở sở y tế trên địa bàn về việc áp dụng mô hình tháp 3 tầng để điều trị các bệnh nhân sốt xuất huyết. Đồng thời, tăng cường nguồn lực, phối hợp triển khai các giải pháp để hạn chế thấp số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Ngành y tế TP.HCM sẽ tiến hành phân các bệnh nhân sốt xuất huyết thành 3 tầng để điều trị.
Tầng 1: Là các phòng khám tại trung tâm y tế, trạm y tế, phòng khám đa khoa, chuyên khoa. Các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế thuộc tầng 1 phải được tập huấn hướng dẫn chuẩn đoán điều trị sốt xuất huyết để đảm bảo không bỏ sót các trường hợp nghi ngờ khi đến khám tại các phòng khám.
Tầng 1 phải đảm bảo tất cả các trường hợp nghi ngờ mắc sốt xuất huyết được hướng dẫn cách chăm sóc, theo dõi tại nhà và cách phát hiện các dấu hiệu chuyển nặng. Tuyệt đối không được lạm dụng chỉ định truyền dịch trong điều trị. Thay vào đó, khi người bệnh có dấu hiệu cảnh báo chuyển nặng hoặc không cải thiện cần chuyển người bệnh tới các bệnh viện thuộc tầng 2.
Tầng 2: Là các viện tuyến huyện, bệnh viện đa khoa khu vực, bệnh viện đa khoa tuyến thành phố và các bệnh viện đa khoa tư nhân có điều trị bệnh lý nhiễm.
Các bác sĩ, điều dưỡng tại tầng 2 chịu trách nhiệm phát hiện sớm các trường hợp có dấu hiệu cảnh báo đến khám hoặc được chuyển lên từ tầng 1, điều trị tích cực theo hướng dẫn của Bộ Y tế, sớm chuyển người bệnh đến bệnh viện thuộc tầng 3 khi người bệnh không đáp ứng điều trị.
Trường hợp người bệnh có diễn tiến nặng, phải tổ chức hội chẩn khẩn cấp hoặc kích hoạt quy trình báo động đỏ đến Tổ chuyên gia điều trị sốt xuất huyết thuộc Sở Y tế. Tuyệt đối không chuyển viện khi người bệnh đang trong tình trạng nguy kịch hoặc chưa liên hệ được bệnh viện thuộc tầng 3 để chuyển viện.
Tầng 3: Là các bệnh viện chuyên khoa nhiễm (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới) và các bệnh viện đa khoa được Sở Y tế phân công là bệnh viện tuyến cuối trong điều trị sốt xuất huyết bao gồm Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện quân Y 175 (đối với người lớn); Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố (đối với trẻ em).
Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện thuộc tầng 3 cần phải thành lập các đơn vị, khoa hồi sức sốt xuất huyết. Chịu trách nhiệm tiếp nhận điều trị ca nặng do các cơ sở y tế thuộc tầng 1 và tầng 2 chuyển đến.
Theo Sở Y tế TP.HCM, mô hình phân tầng điều trị sốt xuất huyết được áp dụng dựa trên kinh nghiệm điều trị COVID-19. Tuy nhiên, mô hình điều trị sốt xuất huyết khác với mô hình phân tầng điều trị COVID-19 đó là các bệnh viện sẽ không chuyển ngược người bệnh về tầng thấp hơn.