Tâm lý nể nang, ngại va chạm góp phần làm chậm giảm biên chế

0
0

 - Báo cáo giám sát của Quốc hội cho biết, còn nhiều tồn tại trong công tác tinh giảm biên chế, trong đó có nguyên nhân do tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm và bảo vệ lợi ích cục bộ của ngành, địa phương...

Theo Báo cáo giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, công tác tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Theo đó, tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị từng bước được đổi mới, sắp xếp, kiện toàn theo hướng gọn, nhẹ, hiệu lực, hiệu quả. Cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế bước đầu thực hiện có hiệu quả.

Giảm biên chế
Ảnh minh họa

Tính đến cuối năm 2021, biên chế công chức giảm 10,01%; viên chức giảm 11,12% so với năm 2015, vượt mục tiêu các nghị quyết của Đảng đề ra.

Đến 31/12/2021, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) trong các Bộ, ngành, địa phương là 47.744 đơn vị, giảm 7.469 đơn vị, tương ứng giảm 13,85% so với năm 2015 (55.213 đơn vị) , vượt mục tiêu đề ra.

Đến 31/12/2021, có 287 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (chiếm tỷ lệ 0,6%); Có 2.848 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên (chiếm tỷ lệ 5,9%); Có 8.922 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (chiếm tỷ lệ 18,6%); Có 35.687 đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (chiếm tỷ lệ 74,9%).

Như vậy, số đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên của Bộ, ngành, địa phương là 3.135 đơn vị, tương ứng tỷ lệ 6,6% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ, ngành, địa phương.

Cùng với đó, công tác rà soát, cắt giảm các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng liên quan đến cán bộ, công chức thực hiện có hiệu quả, góp phần tiết kiệm nguồn lực kinh phí rất lớn cho xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được nêu trên, Báo cáo giám sát của Quốc hội cũng nêu rõ, trong quản lý, sử dụng lao động trong thời gian vừa qua vẫn còn một số tồn tại, bất cập.

Cụ thể, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính chưa đạt yêu cầu đề ra. Cơ cấu tổ chức bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian; vẫn còn tình trạng chồng chéo, chưa hợp lý trong chức năng, nhiệm vụ một số cơ quan.

Việc quản lý, sử dụng biên chế, thời gian lao động ở các Bộ, ngành, địa phương chưa hiệu quả. Tinh giản biên chế một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu.

Một số Bộ, ngành, địa phương sử dụng biên chế chưa đúng với quy định của pháp luật như sử dụng biên chế sự nghiệp (viên chức) để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước tại các cơ quan, tổ chức hành chính.

Một số tổ chức hành chính nhà nước có nguồn thu và được thực hiện cơ chế tự chủ tài chính chưa được giao biên chế công chức hàng năm.

Định mức biên chế sự nghiệp lạc hậu (do ban hành trước nên chưa theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị  quyết số 39-NQ/TW và các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII) nhưng chưa được các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực sửa đổi, đặc biệt lĩnh vực giáo dục - đào tạo và y tế (chiếm trên 85% biên chế sự nghiệp do Chính phủ quản lý).

Việc đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính của các Đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) để giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn chậm và chưa đạt yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Nhiều Bộ, ngành, địa phương  chưa sử dụng hết số biên chế công chức, viên chức được giao nhưng vẫn đề nghị bổ sung, nhất là biên chế viên chức giáo dục.

Qua kiểm toán đã phát hiện nhiều đơn vị tùy tiện, thiếu trách nhiệm trong việc giao chỉ tiêu biên chế và tiếp nhận sử dụng biên chế sai quy định, vượt thẩm quyền.

Cụ thể:

Giao biên chế công chức vượt Bộ Nội vụ giao 5.087 biên chế (10 địa phương giao vượt 5.069 biên chế; 01 Bộ vượt 18 biên chế );

Có 5 địa phương giao 905 chỉ tiêu biên chế viên chức cho các cơ quan hành chính không đúng quy định tại Điều 2, Luật Viên chức;

Có 2 địa phương giao chỉ tiêu hợp đồng khác chưa đúng quy định của Luật Viên chức 8.841 người;

Sử dụng lao động (công chức, viên chức, hợp đồng lao động) thực tế có mặt trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập vượt quy định 63.279 người (tại các cơ quan hành chính của 37 địa phương  và 1 Bộ  vượt Bộ Nội vụ giao 15.156 người, tại các đơn vị sự nghiệp công lập của 23 địa phương vượt HĐND giao 29.511 người , 16 địa phương có số biên chế viên chức vượt định mức quy định 18.612 người ).

Tổng quỹ lương bố trí cho biên chế công chức, viên chức, lao động do vượt chỉ tiêu được giao, làm tăng chi NSNN 859 tỷ đồng.

Ngoài ra, có 11 địa phương sử dụng 1.259 biên chế viên chức của các đơn vị sự nghiệp công làm công việc quản lý nhà nước; 32 địa phương sử dụng 9.299 lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn tại các cơ quan tổ chức hành chính;

Còn có địa phương bố trí 32 công chức (không phải là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công) làm nhiệm vụ chuyên môn tại đơn vị sự nghiệp công lập; sử dụng lao động làm công tác chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp chưa qua thi tuyển, xét tuyển nhiều năm; ký hợp đồng lao động tùy tiện, không đúng quy định;

12 địa phương và 01 Bộ  có số lượng cấp phó vượt quy định của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ; quy định chức danh hàm không có trong quy định của Nhà nước.

Ngoài ra, việc thực hiện triển khai công tác tinh giản biên chế còn chậm, năm 2016 chỉ có 09/47 địa phương  thực hiện tinh giản biên chế nhưng chưa đảm bảo mức tinh giản tối thiểu 10% so với biên chế giao 2015 theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.

Việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và theo vị trí việc làm chưa đạt yêu cầu đề ra. Việc sáp nhập giảm đầu mối trung gian trong một số trường hợp mới chỉ là phép cộng cơ học, không thật sự đạt được kết quả về tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả công việc, xong lại xảy ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến đời sống, tinh thần người lao động; sắp xếp, xử lý nhà, đất, trụ sở làm việc thiếu đồng bộ, dẫn đến nhiều lãng phí.

Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, nâng ngạch công chức, viên chức ở một số cơ quan, đơn vị còn xảy ra tiêu cực, sai phạm, thiếu dân chủ, thiếu công khai, minh bạch.

Chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở một số vị trí còn không bảo đảm, năng suất, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trong xử lý, tham mưu, giải quyết công việc chưa cao. Một số công chức, viên chức thoái hóa, biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tham ô, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí phải xử lý kỷ luật, khởi tố hình sự...

Còn thiếu quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập, danh mục dịch vụ sự nghiệp công lập cơ bản, thiết yếu, tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập;định mức kinh tế - kỹ thuật ở một số ngành, lĩnh vực chậm được ban hành, sửa đổi, bổ sung, gây khó khăn cho việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các ĐVSNCL.

Xã hội hóa cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần còn chậm.

Về nguyên nhân dẫn đến những tồn tại nói trên, Báo cáo Giám sát của Quốc hội đánh giá, do nhận thức và trách nhiệm của một số cơ quan tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách theo từng ngành, lĩnh vực còn hạn chế, bất cập. Chưa quyết tâm, quyết liệt trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và thực hiện nhất quán tinh thần cải cách tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Người đứng đầu một số bộ, ngành, địa phương chưa quyết tâm, quyết liệt trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, còn tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm và bảo vệ lợi ích cục bộ của ngành, địa phương.

Chưa chủ động trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.

Trách nhiệm chính trong việc quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước thuộc cấp ủy, người đứng đầu, các bộ phận tham mưu, giúp việc chưa nghiêm túc, kiên quyết trong việc sắp xếp, tuyển dụng, bổ nhiệm, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

Đoàn Giám sát cũng nhấn mạnh: Là cơ quan tham mưu, giúp việc của Chính phủ trong lĩnh vực, Bộ Nội vụ cũng phải chịu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý các trường hợp sai phạm.

Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc


MyTV và câu chuyện doanh nghiệp Việt vượt khó để làm chủ công nghệ

(VnMedia) - Chỉ trong một thời gian ngắn, truyền hình MyTV của VNPT đã đạt được sự tăng trưởng thần tốc 1 năm bằng tích lũy cả 10 năm và vẫn duy trì triển vọng tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Bộ Công Thương nói gì về đề xuất thí điểm thuốc lá điện tử?

(VnMedia) - Trong thời gian chưa ban hành chính sách, Bộ Công Thương đề xuất chỉ quản lý thí điểm thuốc lá nung nóng, chưa cho phép lưu hành sản phẩm thuốc lá điện tử.

Thế Vận hội Paris 2024 sẵn sàng đối mặt với mối đe dọa an ninh mạng chưa từng có

(VnMedia) - Thế Vận hội Paris 2024 đang chuẩn bị sẵn sàng có thể để đối mặt với một thách thức chưa từng có về mặt an ninh mạng, trong bối cảnh các nhà tổ chức sự kiện dự kiến ​​​​sẽ phải chịu áp lực rất lớn đối với Thế vận hội diễn ra vào mùa hè này.

Ngăn chặn nhiều vụ giả danh Công an gọi điện hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID

(VnMedia) - Lực lượng công an đã phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ lừa đảo giả mạo Công an tiến hành cài đặt ứng dụng VneID để chiếm quyền điều khiển điện thoại, nhằm lấy các thông tin cá nhân, chiếm đoạt tiền trong tài khoản...

Đức triệt phá 12 trung tâm cuộc gọi lừa đảo, bắt giữ 21 nghi phạm

(VnMedia) - Cơ quan thực thi pháp luật của Đức đã triệt phá 12 trung tâm cuộc gọi lừa đảo qua điện thoại đứng sau hàng nghìn cuộc gọi lừa đảo hàng ngày ở Albania, Bosnia và Herzegovina, Kosovo và Lebanon.