- Năm 2023, Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề về việc sử dụng nguồn lực trong phòng chống dịch bệnh, khi đó, sẽ tiếp tục làm rõ hơn các nguồn cho phòng, chống dịch bệnh và các khoản chi, kiểm tra sử dụng nguồn đúng mục đích.
Đề nghị Chính phủ ưu tiên phân bổ ngân sách cho y tế
Liên quan đến công tác chống dịch COVID-19, tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra chiều nay (10/10), trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021, Chủ nhiệm Ủy ban xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19, các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong suốt gần 03 năm qua.
Đặc biệt kể từ khi ban hành Nghị quyết 30, Chính phủ đã bám sát tình hình dịch bệnh trong nước cũng như trên thế giới, tích cực, quyết liệt, chủ động, sáng tạo, linh hoạt thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19,...
Đến nay, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát tốt trên phạm vi toàn quốc, đời sống của nhân dân dần trở lại bình thường, các hoạt động kinh tế - xã hội đang từng bước phục hồi mạnh mẽ và đạt được những kết quả quan trọng, khẳng định tính kịp thời, đúng đắn, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các quyết sách của Quốc hội, việc ban hành chính sách của Chính phủ đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Chủ nhiệm Ủy ban xã hội Nguyễn Thúy Anh |
Ủy ban Xã hội cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ về những kết quả đã đạt được, khó khăn, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm, đồng thời kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm ưu tiên phân bổ ngân sách cho lĩnh vực xã hội nói chung, cho y tế nói riêng;
Quan tâm giải quyết khó khăn, vướng mắc về thể chế liên quan tới đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế, giá dịch vụ y tế và các nội dung khác thuộc lĩnh vực y tế trong quá trình sửa đổi và xây dựng các dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Bên cạnh đó, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo sát sao công tác phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình chung của thế giới và bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước;
Đồng thời rà soát các quy định bất cập liên quan đến công tác phòng, chống dịch làm căn cứ hoàn thiện chính sách pháp luật về y tế, an sinh xã hội, nhất là khắc phục các hạn chế, vướng mắc liên quan đến mua sắm, đấu thầu, huy động, vận động nguồn lực, tiếp nhận, sử dụng, quản lý, nghiên cứu sản xuất vắc xin, thuốc, trang thiết bị y tế để không làm ảnh hưởng đến công tác khám bệnh;
Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ ưu tiên nguồn lực đầu tư cho ngành y tế, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, đảm bảo tốc độ tăng chi y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách địa phương; khẩn trương rà soát các chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19...
Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề về sử dụng nguồn lực phòng chống dịch
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cũng ghi nhận: “Thực tiễn cho thấy lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã không ngại ngần để tìm kiếm thêm nguồn cung cấp vaccine, nhờ có ngoại giao vaccine tích cực, hiệu quả góp phần vào kiểm soát dịch trong nước.”
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng, báo cáo của Chính phủ và phụ lục kèm theo chưa rõ việc sử dụng kinh phí cho phòng chống dịch bệnh theo từng năm, từng nguồn.
“Năm 2023, Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề về việc sử dụng nguồn lực trong phòng chống dịch bệnh, khi đó, sẽ tiếp tục làm rõ hơn các nguồn cho phòng, chống dịch bệnh như nguồn từ ngân sách, quỹ vaccine, nguồn viện trợ... và các khoản chi, kiểm tra sử dụng nguồn đúng mục đích.” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường |
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cũng lưu ý, bên cạnh những kết quả đạt được thì đến nay vẫn còn một số vấn đề như thiếu thuốc, vật tư y tế, cán bộ, nhân viên ngành y tế nghỉ việc nhiều do nhiều nguyên nhân... cần được quan tâm. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị, trong quá trình sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật Giá, sẽ có làm việc phối hợp với các cơ quan để tính toán đưa vào những quy định đặc thù bảo đảm đấu thầu hiệu quả nhất là trong lĩnh vực y tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách kiến nghị trong thời gian tới, trong phòng chống dịch bệnh không chủ quan, kiến nghị dành nguồn nhân lực, tài lực vật lực để ứng phó kịp thời những vấn đề có thể phát sinh. Đồng thời, ngành y tế chủ động báo cáo Chính phủ và các địa phương không lãng phí nguồn vaccine, có giải pháp để người dân yên tâm thực hiện tiêm vaccine các mũi tăng cường.