- Tin đồn lãnh đạo ngân hàng bị bắt, bỏ trốn hay mới đây là thông tin, bình luận thất thiệt gây hoang mang dư luận, tạo tâm lý bất an được đăng trên mạng xã hội đã khiến cho cả hệ thống ngân hàng... chao đảo.
Lực lượng chức năng làm việc với đối tượng Nguyễn Kiên Quyết. Ảnh CAND |
Hàng loạt tin đồn thất thiệt
Thời gian gần đây, có một số chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đóng cửa để di dời sang địa chỉ mới do các điểm giao dịch đó không mang lại hiệu quả trong kinh doanh. Từ đó, xuất hiện nhiều tin đồn liên quan đến việc Ngân hàng SCB làm ăn thua lỗ, phải đóng cửa và phá sản.
Đặc biệt, ngày 6/10, Công ty CP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) công bố thông tin bất thường về việc Chủ tịch Hội đồng quan trị Nguyễn Tiến Thành đột ngột qua đời vào ngày 6/10. Ông Thành là Chủ tịch Hội đồng quản trị của TVSI và là thành viên HĐQT độc lập của Ngân hàng SCB.
Vì những lý do này, trên mạng xã hội lan truyền thông tin tiêu cực về Ngân hàng SCB dẫn đến hiện tượng một số người dân rút tiền trước hạn.
Về việc này, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, sẽ theo dõi sát tình hình để ngân hàng hoạt động bình thường và có giải pháp, chính sách theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền, giữ vững ổn định của Ngân hàng SCB nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung. Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người gửi tiền không nên rút tiền trước hạn, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền.
Liên quan đến vụ việc, Cục An ninh chính trị nội bộ, Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Hà Nam đã tìm ra đối tượng tung tin đồn thất thiệt về SCB là Nguyễn Kiên Quyết (SN 1982, trú tại TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam).
Ngay lập tức, Nguyễn Kiên Quyết đã được cơ quan công an triệu tập làm việc. Quá trình làm việc, cơ quan điều tra xác định, Quyết là đối tượng đã có hành vi sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Facebook đăng tải, bình luận thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận, tạo tâm lý bất an về việc người dân đồng loạt rút tiền tại các ngân hàng.
Đối tượng này sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội, đăng tải, bình luận thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận, tạo tâm lý bất an về việc hàng loạt người dân rút tiền tại các ngân hàng, từ đó tác động xấu đến hoạt động của các ngân hàng và tình hình an ninh, trật tự xã hội.
Qua làm việc, Nguyễn Kiên Quyết đã thừa nhận hành vi tự ý soạn thảo, đăng tải, bình luận thông tin thất thiệt nói trên. Hành vi của Nguyễn Kiên Quyết là vi phạm pháp luật, Công an tỉnh Hà Nam đang củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Người dân ồ ạt đến SCB rút tiền sau thông tin thất thiệt. Ảnh: Thanh Niên |
Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện tin đồn thất thiệt trong lĩnh vực ngân hàng. Còn nhớ vào năm 2003, tin đồn Tổng Giám đốc Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB) - Phạm Văn Thiệt bỏ trốn đã làm chao đảo Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB) cũng như cả hệ thống ngân hàng trong ngày 14/10/2003.
Vào thời điểm đó, ACB lúc đó đã được đánh giá là một trong những ngân hàng hàng đầu cả về hiệu quả kinh doanh cũng như quản trị rủi ro. Nhưng tin Tổng giám đốc bỏ trốn khi chưa được xác minh thực hư đã khiến khách hàng đổ xô tới rút tiền tại ACB, rồi tới cả các ngân hàng khác.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đương nhiệm, ông Lê Đức Thúy, ngay lập tức bay từ Hà Nội vào TP HCM để xử lý tình hình. Tiếp xúc với khách hàng ACB, ông khẳng định đây là thông tin thất thiệt và cam kết hỗ trợ cho ACB nếu toàn bộ khách hàng vẫn nhất quyết rút tiền.
Tổng giám đốc ACB - Phạm Văn Thiệt và chủ tịch HĐQT ACB Trần Mộng Hùng phải xuất hiện tại trụ sở ngân hàng để bác bỏ tin đồn và khẳng định hoạt động của ACB vẫn diễn ra bình thường, toàn bộ tiền gửi của khách hàng đều được ACB mua bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đại diện ACB còn trao giải thưởng 200 triệu đồng cho ai cung cấp nguồn tin cho cơ quan chức năng tìm ra đối tượng tung tin thất thiệt.
Tiếp đó, năm 2013, tin đồn chủ tịch Ngân hàng cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - ông Trần Bắc Hà bị bắt vừa rộ lên vào ngày 21/2 đã khiến thị trường chứng khoán có phiên giảm điểm mạnh nhất (hơn 18 điểm). Nhà đầu tư tranh nhau bán ra theo tâm lý vì liên tưởng tới những tác động xấu như vụ bắt bầu Kiên hồi tháng 8. Nhiều biểu hiện lo lắng cũng xuất hiện trên thị trường vàng, ngoại tệ…
Ngay lập tức, chiều cùng ngày, chủ tịch BIDV - Trần Bắc Hà đã lên tiếng bác bỏ thông tin này và cho rằng "có một nhóm đầu cơ nào đó tung tin để trục lợi". Lãnh đạo ngân hàng này cũng đề nghị cơ quan an ninh vào cuộc, điều tra nguồn gốc tin đồn. Các cơ quan liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban chứng khoán cũng đưa ra một số động thái nhằm rà soát giao dịch, trấn an thị trường.
Ngay sau khi xảy ra tin đồn trên, Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị liên quan để điều tra, rà soát và đã làm rõ những người đã tung tin đồn.
Trên cơ sở kết quả xác minh, rà soát hàng chục đối tượng trong diện nghi vấn có sử dụng các nickname khác nhau trên các diễn đàn internet, Tổng cục An ninh II đã làm rõ hành vi vi phạm của 3 đối tượng có liên quan, gồm các đối tượng có nickname: Casperkid@gmail.com trên diễn đàn mạng Tathy.com (SN 1980, làm việc cho một ngân hàng tại Hà Nội); HungPVN trên diễn đàn mạng f319.com (SN 1976, làm việc tại một công ty ở TP HCM), Danghocdoi (SN 1985, làm việc trong lĩnh vực môi trường).
Kết quả điều tra cho thấy động cơ của họ không có mục đích phá hoại nhưng có mục đích vụ lợi về kinh tế, do họ đều là nhà đầu tư nhỏ lẻ, tham gia đầu tư chứng khoán. Mặt khác, 3 người này bị ảnh hưởng bởi các diễn đàn mạng phản động, những thông tin trái chiều về tình hình thay đổi nhân sự cấp cao của Đảng và Nhà Nước; đồng thời muốn tỏ ra là người thạo tin nên đã tung tin đồn gây sự chú ý trên các diễn đàn mạng. Hành vi của các đối tượng kể trên đã gây ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính, tiền tệ thời điểm bấy giờ.
Người dân cần cẩn trọng với tin đồn thất thiệt
Liên vụ việc của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) dẫn đến hiện tượng một số người dân rút tiền trước hạn, ngày 8/10, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có khuyến cáo người dân cần thận trọng với các tin đồn, không nên rút tiền trước hạn, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền.
Cũng theo Hiệp hội Ngân hàng, đây không phải lần đầu tiên xảy ra tin đồn tiêu cực về ngành ngân hàng. Tuy nhiên, các giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian qua cho thấy hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động ổn định, an toàn.
Sáng ngày 8/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng phát đi thông tin chính thức khẳng định sẽ theo dõi sát tình hình để ngân hàng hoạt động bình thường và có giải pháp, chính sách theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền, giữ vững ổn định của SCB nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung.
Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người gửi tiền không nên rút tiền trước hạn, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền.
P.Mai