Mỹ, châu Âu tìm cách thông qua một nghị quyết lịch sử chống lại Nga

0
0

 - Chính quyền Tổng thống Joe Biden và các đồng minh quốc tế đang dồn mọi nỗ lực ngoại giao nhằm tìm kiếm những lá phiếu ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc trong tuần tới, với mục tiêu thu hút được nhiều quốc gia nhất có thể để ủng hộ cho một nghị quyết lịch sử chống lại các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Nga ở Ukraine.

 

Các quan chức của Mỹ, châu Âu và các đồng minh khác đang sử dụng những bảng biểu, các cuộc gọi điện thoại, tin nhắn WhatsApp, trò chuyện trực tiếp và bình luận công khai để thuyết phục các nước bỏ phiếu chống lại Nga tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, 7 quan chức phương Tây giấu tên và hai nhà phân tích nắm rõ tình hình vừa tiết lộ như vậy.

Ông Csaba Kőrösi - Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, đã triệu tập một phiên họp đặc biệt khẩn cấp của cơ quan này để bắt đầu tranh luận về vấn đề nói trên từ hôm đầu tuần. Dự kiến, cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào cuối tuần tới.

Một nhà ngoại giao cấp cao của Anh đã miêu tả chiến dịch ngoại giao của họ là một “nỗ lực vận động hành lang và tiếp cận quy mô lớn và toàn diện”. Chiến dịch này liên quan đến gần như mọi cấp độ trong kiến trúc ngoại giao của nước Mỹ, từ đại sứ đến Thứ trưởng và Ngoại trưởng Antony Blinken. Các thành viên của Quốc hội thậm chí có thể thực hiện một số cuộc gọi để thuyết phục các nước.

Nếu được thông qua, nghị quyết sẽ thúc đẩy nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin, làm suy yếu lập luận của ông chủ điện Kremlin rằng ông là một người giải phóng và lý tưởng nhất là thuyết phục ông rằng leo thang chiến tranh sẽ chỉ gây ra nhiều phản ứng dữ dội trên toàn cầu.

Liên minh châu Âu đã mời gần như toàn bộ thành viên Liên hợp quốc - 188 quốc gia - để thảo luận về dự thảo nghị quyết chống lại Nga. Belarus, Syria, Triều Tiên và Eritrea đã không nhận được lời mời vì các nước này trước đây phản đối sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong các nghị quyết trước đây của Liên Hợp Quốc.

Theo phiên bản dự thảo của nghị quyết, Moscow được yêu cầu rút quân khỏi Ukraine. Nghị quyết này cũng nói rằng “cái gọi là các cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp” do điện Kremlin tổ chức để tuyên bố bốn vùng lãnh thổ của Ukraine là thuộc Nga “không có giá trị theo luật quốc tế và không hình thành cơ sở cho bất kỳ sự thay đổi nào về vị thế của các khu vực này của Ukraine. ”

Trong một lá thư đề ngày hôm qua (4/10) viết cho các đại sứ đồng nghiệp của mình trong Liên hợp quốc, ông Vassily Nebenzia - Đại sứ của Nga tại Liên Hợp Quốc đã miêu tả bản dự thảo nghị quyết là một "sự giả tạo". Ông mô tả nỗ lực vận động hành lang của Mỹ và Châu Âu là một "diễn biến mang tính chính trị hóa và khiêu khích rõ ràng". Đại sứ Nga kêu gọi các thành viên Liên Hợp Quốc bỏ phiếu chống lại nghị quyết.

Nga cũng đang kêu gọi bỏ phiếu kín về đề xuất này với mục tiêu hạn chế các nỗ lực của phương Tây khiến các thành viên Liên Hợp Quốc xấu hổ bỏ phiếu cho nghị quyết.

Theo các nhà ngoại giao phương Tây, cuộc bỏ phiếu tới sẽ đạt được thành công nếu tiến tới được càng gần càng tốt với 141 phiếu ủng hộ của các nước như hồi tháng Ba khi Liên hợp quốc bỏ phiếu lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Đại sứ Estonia tại Liên Hợp Quốc Rein Tammsaar cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng: “141 phiếu bầu là tiêu chuẩn vàng - 100 phiếu ủng hộ là tương đối thành công. “Mục tiêu là phát triển liên minh hơn là đồng ý với một văn bản hoàn hảo,” một đại sứ châu Âu khác cho biết.

Các quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng họ không tiến hành các hoạt động vận động dựa trên việc trao đổi lợi ích mà thay vào đó tiến hành các cuộc gặp riêng với từng nước để thuyết phục các quốc gia từ bỏ phiếu trắng thành "phiếu ủng hộ". Các nước mà Mỹ đang hướng mục tiêu chính vào có thể bao gồm Ấn Độ và Nam Phi, cùng với nhiều quốc gia nhỏ hơn.

Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc


Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố thời gian tuyển sinh đại học năm 2024

(VnMedia)- Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố thời gian tuyển sinh đại học và tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024.

Các tiêu chí đánh giá khi lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ chỗ đặt máy chủ

(VnMedia) - Việc lựa chọn một đơn vị có uy tín, được đánh giá cao như VNPT IDC sẽ giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, luôn vững tâm trên con đường phát triển.

Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2024 chính thức được phát động

(VnMedia) - Theo đại diện Ban Tổ chức, Vietnam Digital Awards năm 2024 (VDA 2024) sẽ đặc biệt tôn vinh các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số xuất sắc, các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số tiêu biểu nhằm thúc đẩy xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Thanh toán tiền điện, nước thật dễ dàng và nhiều ưu đãi cùng VNPT Money

(VnMedia) – Với nhiều ưu đãi được đưa ra, việc thanh toán tiền điện, nước chưa bao giờ lại dễ dàng và rẻ như hiện nay với VNPT Money. 

3 trận động đất trong ngày 15/4

(VnMedia) - Trong ngày 15/4, đã có 3 trận động đất xảy ra tại khu vực tỉnh Kon Tum, trong đó 2 trận có độ lớn trên 3.0.