- Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã miêu tả chiến dịch quân sự của Nga chống lại Ukraine là một sự kiện bước ngoặt, khiến Nga và Đức trở thành đối thủ của nhau.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier |
Theo Tổng thống Steinmeier, Moscow và Berlin hiện tại đang chống lại nhau và chính hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine là lý do khiến hai nước phải đánh giá lại mối quan hệ song phương. Ông Steinmeier cũng cho rằng mối quan hệ Nga-Đức không thể quay lại “những giấc mơ cũ”.
Trong bài phát biểu trước người dân Đức ngày hôm qua (28/10), Tổng thống Steinmeier miêu tả quyết định của Nga trong việc khởi động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng Hai là một sự kiện mang tính bước ngoặt. Ông này thừa nhận rằng nhiều người ở Đức “cảm thấy có sự gắn kết với nước Nga và người dân nước này, yêu âm nhạc và văn học Nga”. Nhưng thực tế mới đồng nghĩa với việc "không có chỗ cho những giấc mơ cũ" quay trở lại, vị quan chức cấp cao của Đức giải thích, ám chỉ đến ý tưởng của cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev về một "ngôi nhà chung châu Âu".
Ông Steinmeier cho rằng: “Hai nước chúng ta hiện đang chống lại nhau”. Tổng thống Steinmeier tuyên bố rằng Đức đang trong “một cuộc xung đột" nhưng cũng nói rằng nước này không "có chiến tranh." Ông này nhấn mạnh, cần tránh leo thang thêm tình trạng thù địch ở Ukraine và sự can dự trực tiếp của các quốc gia khác vào cuộc xung đột này.
Phát biểu trước Đại sứ Ukraine mới tại Đức - Alexey Makeev, Tổng thống Steinmeier cam kết Berlin sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev - về quân sự, tài chính và chính trị - “chừng nào cần thiết”.
Ông Steinmeier cũng cảnh báo người dân Đức về "những năm khó khăn, những năm rất khó khăn" ở phía trước.
Tổng thống Steinmeier thừa nhận rằng các biện pháp trừng phạt mà Berlin đang áp dụng đối với Nga hiện nay cũng đang gây tổn hại cho chính Đức. Tuy nhiên, ông này nhấn mạnh cường quốc kinh tế hàng đầu châu Âu không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đưa ra các biện pháp trừng phạt.
Tổng thống Steinmeier tiếp tục tuyên bố rằng các biện pháp trừng phạt, bất chấp những hậu quả bất lợi rõ ràng, là lợi ích tốt nhất của Đức về lâu dài. Ví dụ, ông trích dẫn cuộc đấu tranh của Berlin để giải phóng mình khỏi sự phụ thuộc vào một “chế độ… sử dụng năng lượng làm vũ khí”. Đối với Đức và người Đức, những thách thức hiện nay là “thử thách cam go” mà quốc gia này phải đối mặt.
Ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Đức cùng với phần còn lại của EU và Mỹ đã giáng những đòn trừng phạt kinh tế mạnh mẽ vào Nga.
Sau những từ chối ban đầu, Berlin giờ đây đã bắt đầu cung cấp vũ khí tấn công cho các lực lượng của Kiev, và hiện cung cấp cho lực lượng này pháo, rocket, hệ thống tên lửa phòng không và đại bác gắn trên xe.
Moscow đã nhiều lần cảnh báo rằng các chuyến hàng vũ khí như vậy của các thành viên NATO chỉ kéo dài cuộc giao tranh ở Ukraine và khiến khối liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu trở thành một bên tham chiến trong cuộc xung đột.