- Quen nhau qua mạng xã hội rồi sau đó các đối tượng cùng thỏa thuận làm giả chứng minh nhân dân để mở tài khoản ngân hàng và thẻ ATM, rồi đem bán...
Ảnh minh họa |
Ngày 6/9, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức". Phiên tòa được mở theo kháng cáo của 2/9 bị cáo trong vụ án.
Trước đó, bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Thanh Trì (Hà Nội) ngày 25/5/2022 đã quyết định tuyên phạt 9 bị cáo gồm Phạm Văn Chuân (sinh năm 1993, ở tỉnh Nam Định) mức án 48 tháng tù; Đỗ Quốc Đạt (sinh năm 1995; ở tỉnh Hưng Yên) 42 tháng tù; Lương Mạnh Hà (sinh năm 1993; ở tỉnh Lạng Sơn) 18 tháng tù cùng về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".
Cũng với tội danh trên, Lương Văn Nam (sinh năm 1991; ở tỉnh Lạng Sơn) bị tuyên phạt 30 tháng tù; Nguyễn Văn Duy (sinh năm 1990; ở Hà Nội) lĩnh án 30 tháng tù; Trịnh Tiến Toàn (sinh năm 2000; ở tỉnh Phú Thọ) lĩnh án 42 tháng tù; Trần Thị Biên (sinh năm 1996; ở tỉnh Nam Định, vợ Chuân) bị phạt 36 tháng tù; Lương Thanh Tuấn và Triệu Văn Hải (cùng sinh năm 1990, ở tỉnh Lạng Sơn) cùng bị tuyên phạt mức án 20 tháng tù.
Theo nội dung vụ án, khoảng tháng 4/2021, qua mạng xã hội, Chuân quen biết Đạt, Duy, Toàn và đối tượng tên Phi (chưa rõ nhân thân). Cả nhóm thỏa thuận làm giả chứng minh nhân dân để mở tài khoản ngân hàng và thẻ ATM, rồi đem bán.
Sau đó, Chuân thuê căn hộ ở quận Ba Đình, Hà Nội làm nơi sinh hoạt và chuẩn bị các dụng cụ như máy ép chìm dấu giáp lai ảnh của Công an thành phố Hồ Chí Minh, máy ép plastic, máy in ảnh, giấy in ảnh, giấy nilon ép chứng minh nhân dân...
Chuân và Duy mua chứng minh nhân dân ở các nhà nghỉ, hiệu cầm đồ trên địa bàn Hà Nội với giá từ 300.000 đồng/chiếc. Chuân phát chứng minh nhân dân cho Biên, Duy, Đạt, Toàn, Phi để đồng bọn tự đối chiếu. Nếu thấy phù hợp với độ tuổi thì bóc ảnh trong chứng minh nhân dân ra và dán ảnh của mình vào. Sau đó, Chuân dùng dụng cụ cầm tay ép chìm dấu giáp lai ảnh và ép plastic lại.
Hoàn thành các công đoạn trên, Chuân phát lại chứng minh nhân dân cho đồng bọn kèm theo 1 sim điện thoại di động và hướng dẫn đồng bọn đến các ngân hàng mở tài khoản. Sau đó, các đối tượng liên quan giao lại thẻ ATM để Chuân rao bán trên mạng xã hội với giá 1,8 triệu đồng/bộ, gồm chứng minh nhân dân giả, thẻ ngân hàng và sim điện thoại.
Khoảng tháng 5/2021, vợ chồng Chuân tiếp tục rủ các đối tượng trên và Hải, Tuấn làm chứng minh nhân dân giả để vay tiền của một số tổ chức tín dụng thông qua các app. Tuấn và Hải rủ Hà, Nam từ tỉnh Lạng Sơn xuống Hà Nội cùng lừa đảo.
Cả nhóm rời địa điểm sang căn hộ thuê ở quận Cầu giấy (Hà Nội). Với thủ đoạn cũ, các bị cáo tự cắt, dán ảnh của mình để làm giả chứng minh nhân dân, đồng thời tải các phần mềm cho vay tiền trên mạng, rồi đăng ký vay tiền bằng giấy tờ cá nhân giả nhằm chiếm đoạt.
Chiều 27/5/2021, Tổ công tác 141, Công an thành phố Hà Nội làm nhiệm vụ tại khu vực đường Nghiêm Xuân Yên, địa phận xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì đã phát hiện Đạt và Chuân điều khiển môtô có biểu hiện nghi vấn. Qua kiểm tra, công an phát hiện, thu giữ có 7 túi nilon bên trong có 95 chứng minh nhân dân và 31 thẻ ngân hàng mang tên khác nhau… Tổ công tác đã lập biên bản, bàn giao Chuân, Đạt và các đồ vật, tài sản thu giữ đến Công an huyện Thanh Trì.
Tại cơ quan điều tra, Chuân thừa nhận cùng đồng phạm làm khoảng 100 bộ gồm chứng minh nhân dân, thẻ ATM, sim điện thoại rồi rao bán trên mạng xã hội, thu lời khoảng 200 triệu đồng.
Căn cứ đơn kháng cáo của bị cáo Lương Thanh Tuấn và Triệu Văn Hải xin giảm nhẹ hình phạt, tòa phúc thẩm đánh giá vai trò, tình tiết giảm nhẹ và chấp nhận kháng cáo, đồng thời quyết định chuyển từ 20 tháng tù sang cho hưởng án treo đối với 2 bị cáo này.
P.Mai