- Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, chỉ cần một quyết định hành chính có thể làm mất đi hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ thông qua chuyển mục đích sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp. Do vậy, cần có cơ chế bịt lỗ hổng này…
Cần bịt lỗ hổng về quản lý đất công
Ngày 18/9/2022, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã diễn ra Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề ‘’Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững’’.
Thảo luận bàn tròn tại Hội thảo Chuyên đề 1 với chủ đề Chủ đề đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu 3 vấn đề lớn về tài chính đất đai.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc |
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương là kim chỉ nam định hướng ban hành các văn bản pháp luật trong thời gian tới. Trong đó, có 3 vấn đề về tài chính đất đai liên quan cần quan tâm.
Thứ nhất là chênh lệch địa tô.
Theo ông Hồ Đức Phớc, việc quản lý mục đích sử dụng đất phải chặt chẽ, nếu không sử dụng với mục đích sản xuất kinh doanh, không còn nhu cầu sử dụng, Nhà nước sẽ thu hồi lại để bán đấu giá một cách hiệu quả hơn, tạo động, nguồn lực để phát triển.
“Ví dụ, ở một số doanh nghiệp sau khi thực hiện cổ phần hóa, có tình trạng doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng sang thương mại hoặc đất ở, làm thất thoát ngân sách nhà nước. Đây là lỗ hổng lớn, vì chỉ cần một quyết định hành chính có thể làm mất đi hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ. Do vậy, cần có cơ chế bịt lỗ hổng này.” – Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ.
Vấn đề thứ hai là giá đất.
Theo ông Phớc, hiện có 5 phương pháp xác định giá đất nhưng do chưa thật sự nhất quán, chính xác đã tạo nên một số lỗ hổng. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, sắp tới phải rà soát lại các phương pháp xác định giá đất để tìm ra phương pháp xác định một cách phù hợp nhất, chính xác, nhất quán.
Vấn đề thứ ba, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng phải xác định giá đất trước thời điểm điểm xác định giá đất không quá 6 tháng mới đảm bảo độ chính xác. Khi nộp tiền vào ngân sách mới tiến hành giao đất.
Nên giao ngành tài chính quản lý về định giá đất
Phát biểu tham luận, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM cho rằng, đối với công tác quản lý nhà nước về định giá đất, nên giao ngành tài chính quản lý thay vì ngành Tài nguyên và Môi trường quản lý như hiện nay.
Đại diện cho các doanh nghiệp bất động sản cũng bày tỏ, nhà đầu tư trong và ngoài nước luôn mong sự công bằng và bình đẳng trong hệ thống pháp luật. Vì vậy, nhiệm vụ trọng điểm hiện nay là phải thực hiện Nghị quyết 18, trong đó đưa ra mục tiêu cụ thể đến 2023 sửa đổi Luật Đất đai và hệ thống pháp luật liên quan đảm bảo sự thống nhất đồng bộ.
Theo ông Châu, mặc dù thời gian qua hệ thống pháp luật có nhiều chuyển biến tốt hơn nhưng tính xung đột, mâu thuẫn vẫn còn. Để hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị thời gian tới cần bổ sung quy định trong Luật đất đai (sửa đổi) cho phép doanh nghiệp thực hiện cơ chế tự thỏa thuận với người sử dụng đất khi thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại; Không quy định sở hữu nhà ở chung chung có thời hạn; Không quy định giao dịch bất động sản qua sàn….