- Đột quỵ xảy ra khi dòng máu đến một phần não của bạn bị cắt đứt. Để giúp ngăn ngừa đột quỵ, hãy tìm hiểu về nguyên nhân và những điều có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh của bạn.
Đột quỵ cấp tính, hay còn gọi là đột quỵ não, tai biến mạch máu não. Đó là khi mạch máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn hoặc vỡ dẫn tới thiếu oxy và gây tổn thương não.
Nhận biết và phản ứng nhanh chóng với các triệu chứng đột quỵ là điều cần thiết. Điều trị kịp thời có thể ngăn ngừa nguy cơ tàn tật lâu dài và tử vong.
Cứ 40 giây lại có một người ở Mỹ bị đột quỵ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, đó cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật lâu dài ở nước này.
9 nguyên nhân dẫn đến đột quỵ
1. Huyết áp cao: Bác sĩ cũng có thể gọi triệu chứng này là tăng huyết áp. Huyết áp cao là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến đột quỵ. Nếu huyết áp của bạn thường là 130/80 hoặc cao hơn, bác sĩ sẽ bàn về các phương pháp điều trị với bạn.
2. Thuốc lá: Hút thuốc lá hoặc nhai thuốc lá làm tăng khả năng đột quỵ. Nicotine khiến huyết áp tăng lên. Khói thuốc lá gây tích tụ mỡ trong động mạch cổ chính của bạn. Đồng thời cũng làm đặc máu và khiến máu dễ đông hơn. Ngay cả khói thuốc thụ động cũng có thể ảnh hưởng đến bạn.
3. Bệnh tim: Tình trạng này bao gồm van tim bị lỗi cũng như rung tâm nhĩ, hoặc nhịp tim không đều, gây ra 25% số ca đột quỵ ở những người cao tuổi. Bạn cũng có thể bị tắc động mạch do tích tụ chất béo.
4. Bệnh tiểu đường: Những người mắc bệnh này thường bị cao huyết áp và dễ bị thừa cân. Cả hai đều làm tăng nguy cơ đột quỵ. Bệnh tiểu đường làm hỏng các mạch máu của bạn, từ đó dễ bị đột quỵ hơn. Nếu bạn bị đột quỵ khi lượng đường trong máu cao, tổn thương não của bạn càng lớn.
5.Cân nặng và thể dục: Nguy cơ bị đột quỵ của bạn có thể tăng lên nếu bạn thừa cân. Bạn có thể giảm tỷ lệ mắc bệnh của mình bằng cách tập thể dục mỗi ngày. Đi bộ nhanh 30 phút hoặc thực hiện các bài tập tăng cường cơ bắp như chống đẩy hoặc tập tạ.
6. Thuốc men: Một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ví dụ, các loại thuốc làm loãng máu mà các bác sĩ đề xuất để ngăn ngừa cục máu đông đôi khi có thể làm đột quỵ dễ xảy ra hơn do chảy máu. Các nghiên cứu đã liên kết liệu pháp hormone, một liệu pháp được sử dụng cho các triệu chứng mãn kinh như bốc hỏa, với nguy cơ đột quỵ cao hơn. Và estrogen liều thấp trong thuốc tránh thai cũng có thể làm cho nguy cơ mắc bệnh của bạn tăng lên.
7. Tuổi tác: Bất cứ ai cũng có thể bị đột quỵ, ngay cả những đứa trẻ còn trong bụng mẹ. Nói chung, nguy cơ của bạn sẽ tăng lên khi bạn già đi và sẽ tăng gấp đôi sau mỗi thập kỷ sau 55 tuổi.
8.Gia đình: Đột quỵ có thể xuyên suốt trong gia đình. Bạn và người thân có thể có chung xu hướng mắc bệnh cao huyết áp hoặc tiểu đường. Một số cơn đột quỵ có thể do rối loạn di truyền làm tắc nghẽn dòng máu lên não.
9.Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ bị đột quỵ thấp hơn một chút so với nam giới ở cùng độ tuổi. Nhưng phụ nữ bị đột quỵ ở độ tuổi muộn hơn, do đó họ ít có khả năng hồi phục và dễ tử vong hơn.
Dấu hiệu của bệnh đột quỵ
Theo Insider, các triệu chứng đột quỵ quen thuộc bao gồm mặt chảy sệ, nói lắp, tay chân yếu liệt. Cụ thể, bệnh nhân thường đột ngột bị tê yếu ở mặt hoặc tay chân (thường ở một bên của cơ thể), nói khó, lú lẫn, chóng mặt, đi lại khó khăn do mất thăng bằng hoặc phối hợp kém, thị lực suy giảm ở một hoặc cả hai mắt.
Báo cáo của Hiệp hội Tim mạch Mỹ thông tin, các triệu chứng ít gặp hơn gồm xúc giác giảm, chóng mặt và song thị (nhìn một hóa hai).
Hiện cần thêm các nghiên cứu để hiểu đầy đủ các triệu chứng đột quỵ sẽ như thế nào ở các nhóm khác nhau, có tính đến các yếu tố như: chủng tộc, dân tộc, tuổi tác và loại đột quỵ.
Theo một đánh giá năm 2021 được trích dẫn trong báo cáo của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, phụ nữ có nhiều khả năng mắc các triệu chứng không liên quan đến một vùng cụ thể của não. Đó là tình trạng đau đầu, trạng thái tinh thần thay đổi, hôn mê.
Nếu một người có dấu hiệu đột quỵ, gia đình cần đỡ họ tránh để bị ngã, cho nằm yên và nhanh chóng gọi xe cấp cứu. Bệnh nhân có khả năng phục hồi tốt nếu được điều trị kịp thời trong 4,5 giờ đầu (thời gian vàng).
Lưu ý không bấm huyệt, châm cứu, đánh gió cho người bệnh dễ khiến tình trạng thêm nặng. Không cho bệnh nhân ăn uống, đề phòng nôn trào ngược.