- ĐHQGHN và ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức Hội nghị giao ban hai ĐHQG dưới sự chủ trì của Ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng, Giám đốc ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân và Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân.
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân phát biểu khai mạc hội nghị |
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân nhấn mạnh, trải qua năm 2021 đầy biến động với những diễn biến khó khăn của dịch bệnh Covid-19, hai ĐHQG tiếp tục khẳng định vai trò, uy tín khoa học, vị thế quốc tế trong và ngoài nước. Thực hiện chương trình hợp tác, trong năm qua, hai ĐHQG đã thích ứng linh hoạt để hoàn thành mục tiêu kép: vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, vừa hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ đề ra và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Hai ĐHQG tiếp tục giữ vững thành tích và không ngừng cải thiện nâng cao vị trí trong các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Các dự án trọng điểm tiếp tục được đẩy mạnh, tiêu biểu là Dự án “Phát triển các ĐHQG Việt Nam” sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã có thành công bước đầu trong quá trình chuẩn bị đầu tư; Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục đại học (PHER) triển khai với ĐH Indiana (Hoa Kỳ) đã được khởi động, triển khai hiệu quả. Các sự kiện, hội nghị khoa học và đào tạo phối hợp tổ chức cùng các cơ quan Trung ương thực hiện mục tiêu tổng kết, đóng góp ý kiến tư vấn chính sách cho đất nước được tái thiết mạnh mẽ. Gắn kết sứ mệnh với phát triển kinh tế - xã hội đất nước, hai ĐHQG tiếp tục thể hiện trách nhiệm quốc gia trong việc tham gia chủ trì, thực hiện những chương trình nghiên cứu có tầm vóc, mang giá trị thời đại, giá trị dân tộc và nhân văn lớn, mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao đối với sự phát triển của xã hội và đất nước.
Đồng thời, hai bên cũng có những hoạt động tích cực nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Ðại học - Nhà nước - Ðịa phương - Doanh nghiệp, thu hút nguồn lực cho các ngành khoa học cơ bản, tạo bước đà cho việc phát triển mô hình khu đô thị đại học đổi mới sáng tạo theo đúng định hướng, chiến lược mà cả hai ĐHQG đề ra. Ngoài ra, còn rất nhiều chương trình, nhiệm vụ khác trong các lĩnh vực tổ chức, quản trị đại học, đào tạo, khoa học công nghệ, truyền thông, hợp tác phát triển cũng đạt được các kết quả nổi bật.
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân nhấn mạnh, trong một bài toán chuyền đổi số thì cả hai ĐHQG có thể hợp tác để cùng phát huy các nguồn lực, cộng hưởng thế mạnh và gia tăng các giá trị.
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho rằng, bối cảnh hiện tại đòi hỏi hai ĐHQG cần phải liên kết chặt chẽ, có những giải pháp sáng tạo hơn nữa để đảm bảo chất lượng, hiệu quả đào tạo và nghiên cứu khoa học, tiếp tục khẳng định hiệu quả mô hình ĐHQG, đưa mô hình này phát triển theo lộ trình đã được xác lập - một trung tâm đô thị đại học theo định hướng nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển đất nước.
Giám đốc ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân nêu ra những thách thức mà hai ĐHQG đang phải đối mặt, trong đó cần phải gia tăng hơn nữa vị thế của hai ĐHQG; nâng cao vai trò của hai ĐHQG trong việc hoạch định, tham mưu xây dựng các chính sách của Đảng và Nhà nước.
Hai ĐHQG đã đạt được một số kết quả tích cực, thể hiện vai trò nòng cột trong đổi mới, sáng tạo, phục vụ cộng đồng, thúc đẩy tiến bộ xã hội; đi đầu trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Giám đốc ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân nhấn mạnh, chỉ khi có vị thế cao thì hai bên mới có nguồn lực mạnh để phát triển bứt phá.
Giám đốc ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân nêu ra những thách thức mà hai ĐHQG phải đối mặt |
Báo cáo rà soát tình hình thực hiện kết luận tại Hội nghị giao ban năm, Chánh Văn phòng ĐHQGHN Trần Quốc Bình đã điểm qua những sự kiện nổi bật của hai ĐHQG: Chủ tịch nước phê chuẩn Hiệp định Tài trợ cho Dự án “Phát triển đại học Việt Nam, trong đó có hai ĐHQG; hai ĐHQG duy trì vị trí trên các bảng xếp hạng uy tín thế giới; Quốc hội thông qua và ban hành tại Luật Thi đua, khen thưởng số 06/2022/QH15, hai ĐHQG được trình thẳng các đề xuất khen thưởng cấp Nhà nước lên Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; hai ĐHQG cùng tham gia trong Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030.
Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo chất lượng giáo dục ĐHQGHN Mai Trọng Nhuận cho rằng, cần xây dựng chương trình nghiên cứu chung của hai ĐHQG, cùng nhau thiết kế và triển khai những chương trình nghiên cứu thiết thực, có giá trị thực tiễn cao. Bên cạnh đó, hai ĐHQG chủ động xây dựng và triển khai hiệu quả những đề xuất đặt hàng nghiên cứu khoa học của Đảng và Nhà nước, có những kiến nghị chính sách mang tầm quốc gia.
GS.TS Mai Trọng Nhuận cũng cho rằng cần xây dựng đội ngũ chuyên gia của hai ĐHQG để sẵn sàng tham gia những nhiệm vụ tư vấn, khoa học & công nghệ quan trọng.
Trưởng Ban Khoa học Công nghệ, ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh Lâm Quang Vinh chia sẻ về mô hình đổi mới sáng tạo quốc gia. Theo đó, cần có cơ chế, chính sách về triển khai mô hình đổi mới sáng tạo trên cơ sở hợp tác 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp, tận dụng sự hỗ trợ từ Dự án PHER. Hai ĐHQG đề xuất cơ chế, chính sách hướng dẫn hợp tác công tư (PPP) trong việc giao quyền chủ động sử dụng tài sản công cho các cơ sở giáo dục đại học hợp tác doanh nghiệp trong phạm vi pháp luật trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia.
Theo ông Lâm Quang Vinh, cần đề xuất thí điểm cơ chế chính sách (sandbox) quản trị tài chính, cơ sở vật chất và tài sản trí tuệ theo định hướng đổi mới sáng tạo tại hai ĐHQG có hợp tác với doanh nghiệp/nhà đầu tư làm mô hình nhân rộng.
Trưởng Ban Kế hoạch - Tài chính, ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Ninh Thụy chia sẻ kinh nghiệm huy động các nguồn lực. Theo đó, ĐHQG chuyển đổi từ vai trò quản lý nhà nước sang vai trò điều phối và thúc đẩy nguồn lực. Đặc biệt, việc đầu tư cơ sở vật chất phòng thí nghiệm kết hợp với phát triển đầu tư trực tiếp cho con người để tạo sức bật cho “làn sóng” đổi mới sáng tạo và chất lượng hiệu quả công việc.
Bà Trần Thị Thanh Tú - Giám đốc Quỹ Phát triển, Phó Chủ tịch CLB Cựu sinh viên ĐHQGHN nhấn mạnh, để tạo ra sự cạnh tranh, động lực phát triển của hai ĐHQG chính là nguồn lực con người. Bên cạnh đó cần có cơ chế hợp tác để đào tạo và phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao giữa hai ĐHQG để cộng hưởng thế mạnh phát triển.
Chia sẻ về hoạt động chuyển đổi số tại ĐHQGHN, Phó Giám đốc Trung tâm Quản trị Đại học số Nguyễn Xuân Toàn cho biết, ĐHQGHN xem xét ứng dụng mô hình quản trị chia sẻ với ba đặc trưng cốt lõi là: Chuyển đổi số, Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo. Chuyển đổi số tại ĐHQGHN hướng tới triết lý “OneVNU” thống nhất song song với thúc đẩy cải cách hành chính bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; nâng cao năng lực quản trị chất lượng, quản trị rủi ro. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin của ĐHQGHN đang dần hoàn thiện, kết nối, đồng bộ, tạo thành mạng lưới khép kín, dự phòng lẫn nhau. ĐHQGHN đã xây dựng, vận hành các hệ thống thông tin về cán bộ, tuyển sinh, quản lý đào tạo, khoa học công nghệ, kế hoạch ngân sách, triển khai văn bản điện tử, ký số, liên thông văn bản điện tử, hệ thống quản lý học tập trực tuyến theo mô hình học kết hợp trực tiếp và trực tuyến (Blended Learning).
Ngoài việc trao đổi sâu hơn để tiếp tục triển khai hiệu quả các hợp tác đã được thiết lập, các đại biểu tham dự hội nghị cùng nhau chia sẻ, thảo luận về các bài học kinh nghiệm hay, thực tiễn tốt của các bên trong công tác thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển mô hình đại học đổi mới sáng tạo và giải quyết các khó khăn về cơ chế tài chính, từ đó đưa ra sáng kiến, định hướng, hướng tới mô hình đô thị đại học thông minh, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả cho cả hai bên. Những ý kiến đề xuất, bàn thảo trong hội nghị sẽ là tiền đề để hai bên xác lập kế hoạch hợp tác bền vững trong giai đoạn 2022-2025, trước mắt là năm 2023 - đánh dấu mốc cho sự kiện kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập ĐHQGHN, cũng là một trong hai năm bản lề hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh vào năm 2025.
T.A