- Trong 2 ngày (30-31/8), tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện công tác xã hội trường học tại các cơ sở giáo dục. Lớp tập huấn được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, thu hút sự tham dự của khoảng hơn 10 nghìn giáo viên, nhân viên thực hiện công tác xã hội trường học trong cả nước.
Tham gia lớp tập huấn, các giáo viên và nhân viên thực hiện công tác xã hội tại các cơ sở giáo dục trong cả nước sẽ được tìm hiểu, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác xã hội trong hỗ trợ cho học sinh. Đồng thời cung cấp kiến thức cơ bản về quy trình, nguyên tắc, kỹ năng của công tác xã hội trường học trong hỗ trợ học sinh, đặc biệt là các nhóm trẻ em yếu thế, hướng dẫn thực hành các kỹ năng công tác xã hội, các bước triển khai công tác xã hội trong trường học.
Quang cảnh lớp tập huấn tại điểm cầu Hà Nội |
Thực tế cho thấy, đi cùng với sự phát triển kinh tế, có nhiều vấn đề xã hội nảy sinh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, cần sự can thiệp hỗ trợ của công tác xã hội. Do đó, Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 với mục tiêu phát triển công tác xã hội trở thành một nghề ở Việt Nam; nâng cao nhận thức toàn xã hội về nghề công tác xã hội. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030 nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác xã hội tại các ngành, các cấp.
Bộ GDĐT đã ban hành các văn bản liên quan đến công tác xã hội, đặc biệt có Thông tư số 33/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 về hướng dẫn Công tác xã hội trong trường học nhằm hướng dẫn các nhà trường về nguyên tắc, nội dung và trách nhiệm thực hiện công tác xã hội trong trường học. Bộ GDĐT cũng đã ban hành kế hoạch phát triển Công tác xã hội trong ngành Giáo dục giai đoạn 2021-2025 với 7 nhiệm vụ, giải pháp nhằm triển khai Quyết định 112 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu tiếp tục phát triển công tác xã hội trong ngành Giáo dục.
Bên cạnh đó, hằng năm, Bộ GDĐT phối hợp với Bộ LĐTB-XH, Trung ương Đoàn và các bộ ngành liên quan, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam để triển khai công tác xã hội trong trường học, chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện Thông tư 33; truyền thông nâng cao nhận thức về công tác xã hội.
Sau bốn năm thực hiện Thông tư số 33/2018/TT-BGDĐT đã thu được những kết quả hết sức tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những hạn chế như: Kết quả triển khai công tác xã hội vẫn chưa thực sự đi vào chiều sâu, trong các trường học không có vị trí việc làm dành cho công tác xã hội. Cùng với đó, hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức nghiệp vụ chuyên môn cho giáo viên và những người làm công tác xã hội trong trường học còn nhiều hạn chế, chưa thường xuyên, quy trình triển khai thực hiện công tác xã hội trong trường học nhiều nơi chưa được thực hiện đúng quy trình...
Để các cơ sở giáo dục trong cả nước thực hiện tốt công tác xã hội trong trường học, trong thời gian tới đây, ngoài việc tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng làm công tác xã hội cho giáo viên và nhân viên xã hội trường học, Bộ GDĐT sẽ nghiên cứu, ban hành các văn bản chỉ đạo các Sở GDĐT, các cơ sở giáo dục tăng cường hoạt động xã hội trong trường học; chú trọng biên soạn các tài liệu hướng dẫn và thí điểm triển khai mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong trường học.
Đồng thời, xây dựng các tài liệu, sổ tay hướng dẫn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên thực hiện công tác xã hội trong trường học. Tăng cường hợp tác quốc tế về công tác xã hội trong trường học và phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên thực hiện công tác xã hội trong trường học trong các cơ sở giáo dục.
P.V