- Tờ New York Times vừa có bài bình luận trong đó nói rằng giới chức Mỹ thực chất hiện đang lo ngại nhiều hơn về giới lãnh đạo Ukraine so với những gì họ thừa nhận công khai bên ngoài.
![]() |
Có một "sự ngờ vực sâu sắc" giữa chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky, một nhà báo phụ trách chuyên mục của tờ New York Times đã nhận định như vậy trong một bài báo đăng hôm thứ Hai đầu tuần (1/8).
Cho đến nay, Mỹ vẫn là nước ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất trong cuộc xung đột với Nga, cung cấp hàng tỷ đô la viện trợ quân sự cùng với thông tin tình báo, nhưng theo nhà phân tích chuyên mục đối ngoại của tờ báo New York Times - Thomas L. Friedman, quan hệ giữa Washington và Kiev không thực sự đúng như những gì thể hiện ở bên ngoài.
Nhà báo Friedman, người từng ba lần đoạt giải Pulitzer, đã viết: “Các quan chức Mỹ ở bên trong thực sự lo ngại về giới lãnh đạo của Ukraine nhiều hơn rất nhiều họ thể hiện ra bên ngoài. "Có sự mất tin tưởng sâu sắc giữa Nhà Trắng và Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky - nhiều hơn đáng kể so với những gì được đưa tin."
Cây viết của New York Times đã miêu tả quyết định sa thải Tổng Công tố viên Irina Venediktova và người đứng đầu Cơ quan An ninh Nhà nước (SBU) Ivan Bakanov của Tổng thống Zelensky hồi giữa tháng 7 là “một việc hài hước đang diễn ra ở Kiev”.
Ông Friedman nhấn mạnh rằng ông chưa thấy bất kỳ thông tin nào trên các phương tiện truyền thông Mỹ “giải thích một cách thuyết phục” những lý do đằng sau sự cải tổ nội các lớn nhất trong chính quyền Kiev kể từ khi chiến dịch quân sự của Nga diễn ra vào ngày 24 tháng 2.
“Có vẻ như chúng ta không muốn xem xét quá kỹ về những gì bị che đậy ở Kiev vì lo sợ về những tham nhũng hoặc những trò hề mà chúng ta có thể thấy, khi chúng ta đã đầu tư rất nhiều vào đó,” ông Friedman nhận định.
Bài báo được xuất bản trước chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới hòn đảo Đài Loan. Chuyến thăm này bị nhà báo Friedman chỉ trích là một động thái “hoàn toàn liều lĩnh, nguy hiểm và vô trách nhiệm”.
Những hậu quả tiêu cực của nó có thể bao gồm “một phản ứng quân sự của Trung Quốc – một hành động có thể đẩy Mỹ vào các cuộc xung đột gián tiếp với một nước Nga có vũ khí hạt nhân và một Trung Quốc có vũ khí hạt nhân cùng một lúc,” ông Friedman cảnh báo.
Vào chiều ngày hôm qua (2/8), bất chấp cảnh báo từ Bắc Kinh, máy bay của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi đã hạ cánh xuống Đài Loan. Đáp lại, Trung Quốc đã thề sẽ tiến hành "các biện pháp kiên quyết để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình". Bà Pelosi đã trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm hòn đảo này kể từ năm 1997.
Người phụ trách chuyên mục của tờ New York Times kêu gọi Washington "hãy kiên trì với mục tiêu" thay vì khiêu khích Bắc Kinh. “Hiện tại, mục tiêu đó đã quá rõ ràng: Chúng ta phải đảm bảo rằng Ukraine có thể, ở mức tối thiểu, ngăn chặn – và ở mức tối đa là đảo ngược được cuộc xâm lược vô cớ của ông Vladimir Putin bởi vì nếu chiến dịch của Nga thành công, nó sẽ đe dọa trực tiếp đến sự ổn định của toàn bộ Liên minh Châu Âu”, nhà bình luận của Mỹ nhấn mạnh.