Số bệnh nhi phải nhập viện điều trị đang có xu hướng gia tăng trở lại, đặc biệt là nhóm chưa được tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Sở Y tế TPHCM khuyến cáo người dân nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin để tránh nhiễm bệnh, ngăn chặn nguy cơ diễn tiến nặng, tử vong khi mắc COVID-19.
Thông tin từ Sở Y tế TPHCM ngày 13/8 cho biết, tổng số trẻ em mắc COVID-19 có triệu chứng đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện nhi của thành phố là 13 trường hợp. Số ca mắc bệnh đã tăng 2 trường hợp so với ngày hôm trước. Tất cả bệnh nhi phải nhập viện đều chưa được tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Ngoài lý do trẻ còn nhỏ chưa có chỉ định tiêm, vẫn có trẻ ở độ tuổi từ 5 đến 15 tuổi nhiễm bệnh là do chưa được tiêm.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong giai đoạn đại dịch bùng phát trên toàn cầu (từ ngày 30/12/2019 đến ngày 25/10/2021), số trẻ em dưới 5 tuổi mắc COVID-19 chiếm 2%. Tuy nhiên, số trường hợp mắc COVID-19 ở trẻ em đã tăng đột biến trong năm 2022 do biến chủng Omicron, nhất là vào thời điểm hầu hết các quốc gia nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.
Bệnh nhi được nhân viên y tế lấy máu xét nghiệm COVID-19 tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 |
WHO khuyến cáo đã có nhiều chứng cứ khoa học cho thấy hiệu quả khi cho trẻ em tiêm vắc xin, trong đó tác dụng mong đợi nhất là làm giảm tỷ lệ nhập viện. Trẻ tiêm đủ liều vắc xin theo khuyến cáo chẳng những bảo vệ tốt sức khỏe mà còn không làm gián đoạn việc học hành, giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Sở Y tế TPHCM nhận định số trẻ mắc COVID-19 trên địa bàn phải nhập viện vì có triệu chứng bắt đầu có dấu hiệu tăng dần. Nếu như chỉ có một vài trường hợp trẻ mắc COVID-19 phải nằm viện cách đây vài tuần thì nay con số này đã có dấu hiệu nhích dần lên mỗi ngày.
Theo khảo sát nhanh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố về tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ của 609 phụ huynh có con em từ 5 tuổi đến dưới 18 tuổi trên địa bàn thành phố thì có 133/609 trẻ là con của những người được khảo sát vẫn chưa được tiêm vắc xin (chiếm 21,8%).
Các nguyên nhân trẻ chưa tiêm vắc xin là do phụ huynh không nhận được bất kỳ tin nhắn nào của nhà trường kêu gọi phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 ( có 17 trường hợp); 37 phụ huynh đã ký đồng thuận tiêm trước đó nhưng cũng chưa nhận được tin nhắn của nhà trường thông báo ngày tiêm điểm tiêm; có 84 phụ huynh cho biết chưa nhận được bất cứ khảo sát nào của nhà trường hỏi về tiền sử mắc bệnh và tiêm vắc xin phòng COVID-19 của trẻ.
Trước tình hình trên, Sở Y tế đã đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo khẩn trương chỉ đạo các phòng Giáo dục quận, huyện và thành phố Thủ Đức, Ban giám hiệu tất cả trường học từ trường mầm non đến các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông tăng cường công tác truyền thông, nhanh chóng gửi tin nhắn đến từng phụ huynh học sinh về lợi ích của tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh.
Theo bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, đây là thời điểm hiện nay là thời điểm thuận lợi nhất cho học sinh từ 5 đến dưới 18 tuổi đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 vì học sinh còn đang nghỉ hè, số lượng vắc xin mRNA luôn sẵn có tại các cơ sở y tế. Tiêm vắc xin là giải pháp tốt nhất để giúp trẻ tránh nguy cơ nhiễm bệnh hoặc ngăn chặn tình trạng bệnh diễn tiến nặng, tử vong khi chẳng may bị nhiễm COVID-19.
Thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, sau 10 ngày triển khai tháng cao điểm tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ, trung bình mỗi ngày toàn thành phố tiêm được trên 13.000 liều, tăng gấp đôi so với trước đó. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ tại thành phố vẫn thấp hơn trung bình cả nước. Điều này vô cùng đáng lo ngại khi trẻ em chưa được bao phủ vắc xin phòng COVID-19 nhất là trong bối số ca mắc COVID-19 được ghi nhận đang có xu hướng gia tăng.
Theo Tiền phong
https://tienphong.vn/canh-bao-tre-mac-covid-19-dang-tang-tro-lai-post1461393.tpo