- Các bác sĩ bệnh viện Bạch Mai vừa tiến hành phẫu thuật cắt và tạo hình thực quản thành công cho bệnh nhân Trần Đức Lễ (81 tuổi, ở Hà Nội) bị ung thư thực quản.
Đây là bệnh nhân cao tuổi nhất được phẫu thuật cắt và tạo hình thực quản thành công tại Bệnh viện Bạch Mai và cũng là một trong số rất ít bệnh nhân cao tuổi được thực hiện kỹ thuật này tại Việt Nam.
Theo người nhà chia sẻ, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng khó ăn, khó nuốt kể cả cháo và nước 2 tháng nay trước khi nhập viện, thậm chí cả ăn cháo và uống nước cũng khó. Người nhà cứ nghĩ do trào ngược dạ dày nhưng tình trạng nuốt nghẹn ngày càng tăng dần và xuất hiện cả buồn nôn, gầy sút cân. Khi vào bệnh viện nội soi và kiểm tra thì được các bác sĩ chẩn đoán ung thư thực quản.
Chia sẻ về ca bệnh này, TS.BS Trần Mạnh Hùng, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai,cho biết: qua các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư thực quản 1/3 dưới.
“Chúng tôi cũng tham khảo các người thầy và đồng nghiệp trong lĩnh vực này thì đây là một trong những ca ung thư thực quản cao tuổi nhất được phẫu thuật. Để có được thành công như thế này đòi hỏi sự nỗ lực của bệnh nhân, gia đình bệnh nhân và các thầy thuốc.”- BS Hùng chia sẻ.
![]() |
Ca mổ căng thẳng kéo dài 5 giờ đồng hồ đã thành công tốt đẹp |
Với bệnh nhân tuổi cao trên 80, nhiều thách thức được đặt ra trong quá trình phẫu thuật như kỹ thuật ngoại khoa, gây mê trong suốt quá trình mổ, mất máu ... Nhưng với kinh nghiệm và kỹ thuật của mình, ca mổ đã được TS. BS Trần Mạnh Hùng cùng với các đồng nghiệp của khoa Ngoại tổng hợp và khoa Gây mê Hồi sức Bệnh viện Bạch Mai thực hiện thành công.
“Chúng tôi đã bàn bạc kỹ lưỡng với gia đình và thăm khám kỹ càng cho bệnh nhân, sau đó đi đến quyết định phẫu thuật cắt thực quản bằng phương pháp nội soi, tạo hình đường tiêu hóa trên”, bác sĩ Hùng cho biết.
Ca mổ diễn ra trong gần 5h đồng hồ, các bước diễn ra thuận lợi. Sau mổ, bệnh nhân hồi phục nhanh chóng và không xảy ra tai biến, biến chứng gì. Sau 11 ngày, bệnh nhân có thể ăn uống trở lại bình thường và đi lại trong khuôn viên của khoa. Bệnh nhân đã được ra viện vào chiều ngày 11/7 (14 ngày sau phẫu thuật) trong niềm vui của gia đình và các thầy thuốc.
![]() |
Bệnh nhân đã được ra viện vào chiều ngày 11/7 (14 ngày sau phẫu thuật) trong niềm vui của gia đình và các thầy thuốc |
Bác sĩ Hùng chia sẻ: Mặc dù bệnh nhân tuổi đã cao nhưng sau khi đánh giá tổn thương tại chỗ, thể trạng bệnh nhân đảm bảo và sự quyết tâm của cụ Lễ cũng như đội ngũ bác sĩ, chúng tôi cho rằng hoàn toàn có thể phẫu thuật thành công cắt bỏ thực quản và tạo hình đường tiêu hóa trên mới cho bệnh nhân”.
Nhiều gia đình có người thân trên 80 tuổi mà phát hiện bệnh ung thư thì thường có tâm lý buông xuôi, không điều trị. TS. BS Trần Mạnh Hùng khuyến cáo: “Tuổi là một trong những vấn đề cần cân nhắc khi tiến hành điều trị ung thư, nhưng người bệnh đừng vội từ bỏ. Nếu trong điều kiện cho phép và đảm bảo kỹ thuật thì vẫn nên tiến hành phẫu thuật, giúp nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.”
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản - Tuổi: ung thư thực quản thường gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi, phần lớn các bệnh nhân mắc bệnh ở tuổi 50, 60. - Lạm dụng rượu, bia và thuốc lá: nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn khoảng 8 – 10 lần so với người bình thường. Thời gian hút càng lâu, nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Nếu vừa hút thuốc lá, vừa uống rượu mạnh, sẽ càng có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn. - Những người thừa cân, béo phì sẽ có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn. - Người có bệnh lý về thực quản: loét thực quản kéo dài làm tăng nguy cơ bị ung thư thực quản. Tổ chức ở đáy thực quản có thể bị hoại tử nếu dịch vị dạ dày thường xuyên bị trào ngược lên thực quản hay gặp trong bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Các tế bào ở thực quản thay đổi nhiều và bắt đầu trở nên giống các tế bào ở dạ dày, đây là một tổn thương tiền ung thư và có thể phát triển thành bệnh ung thư biểu mô tuyến của thực quản. - Những người có chế độ dinh dưỡng chưa khoa học, lạm dụng chất béo, thiếu các vitamin A, B2, C; duy trì thói quen ăn uống nhiều thực phẩm có chứa chất nitrosamin... - Bệnh nhân từng có tiền sử mắc các bệnh ung thư ở vùng đầu cổ Các biểu hiện của bệnh ung thư thực quản - Nuốt nghẹn: là triệu chứng dễ cảm nhận và gặp ở đa số bệnh nhân ung thư thực quản. Lúc đầu, bệnh nhân thường có biểu hiện khó nuốt nhưng không cảm thấy đau. Khi bệnh nặng hơn, khó nuốt sẽ kèm thêm đau. Lúc đầu, bệnh nhân chỉ khó nuốt với thức ăn rắn, về sau khó nuốt với cả thức ăn lỏng, thậm chí nuốt nước bọt cũng thấy đau và khó thực hiện. - Thường xuyên có hiện tượng chảy nước bọt kèm theo hơi thở mùi hôi khó chịu, ợ hơi, sặc khi ăn uống. - Sụt giảm cân rõ rệt, xảy ra tình trạng mất nước và dần dần là suy kiệt do không ăn và nuốt được. - Thường xuyên bị đau lưng, phía sau xương ức hoặc hai xương bả vai. - Có thể cảm thấy rát họng, ho kéo dài, thậm chí ho ra máu. - Thường xuyên cảm thấy nôn, buồn nôn. - Các biểu hiện khác có thể bắt gặp khi khối u phát triển như tức nặng, cảm giác vướng vùng họng, khó thở, khạc đờm, khàn giọng,... Tuy nhiên, chỉ dựa vào các triệu chứng bệnh (tiêu biểu là nuốt nghẹn, khó nuốt) là chưa đủ để kết luận mắc căn bệnh này. Việc chẩn đoán ung thư thực quản còn dựa vào các chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm cận lâm sàng khác. Để chẩn đoán chính xác ung thư thực quản, bệnh nhân cần được nội soi kết hợp với siêu âm và sinh thiết để có thể nhìn thấy hình ảnh bất thường về hình dạng của thực quản cũng như các tổ chức ung thư hoặc các bất thường của tổ chức dẫn đến ung thư hoặc các tổn thương khác. |